Việt Nam – thị trường tiềm năng của nhiều doanh nghiệp Nga

Tính đến cuối năm 2022, Liên bang Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng mức đầu tư là 965,8 triệu USD, trải rộng trong nhiều lĩnh vực như: năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp...
Sputnik
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thời gian tới, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí và năng lượng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, vốn là những lĩnh vực Liên bang Nga có thế mạnh.

Còn nhiều tiềm năng để phát triển

Ngày 17/2 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Andrey Yatskin, Chủ tịch Nhóm Hợp tác với Quốc hội Việt Nam của Hội đồng Liên bang Nga.
Theo người đứng đầu Quốc hội, Liên bang Nga là một trong những đối tác ưu tiên, quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực.
Tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ và ông Andrey Yatskin nhất trí hai bên cần hợp tác thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước theo hướng thiết thực và hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản, lương thực.
Hai bên cũng sẽ sớm thảo luận mở lại đường bay sau đại dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác kinh tế, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và công dân hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, vốn là những lĩnh vực Liên bang Nga có thế mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2022, Liên bang Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng mức đầu tư là 965,8 triệu USD, đứng thứ 27 trong 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 5 dự án đầu tư sang Liên bang Nga, với tổng mức đầu tư là 528 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp và chế biến, chế tạo.
Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, những số liệu trên còn khá khiêm tốn so với tiềm năng quan hệ thương mại hai nước. Ông An gợi ý doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục nắm vững khuôn khổ pháp luật chung của hai nước nhằm tận dụng hiệu quả các cam kết đã có, tránh những rủi ro pháp lý.
Về đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mới như kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, kinh tế phát triển xanh, chuyển đổi số, tăng cường hợp tác công nghiệp hỗ trợ.
‘Việt Nam đã, đang và luôn là đối tác chiến lược toàn diện của Liên bang Nga’
Về phần mình, Phó đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey Pecherin cho biết, Việt Nam và Nga có rất nhiều cơ hội để hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng nguyên tử.
"Chúng tôi sẽ kết nối các doanh nghiệp hàng đầu của Nga với các đơn vị của Việt Nam trong các lĩnh vực nêu trên. Ngoài ra, về vấn đề nhập khẩu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam, Bộ Công Thương Liên bang Nga sẽ hỗ trợ tìm kiếm các nhà cung cấp than cho Việt Nam", - ông Pecherin nhấn mạnh.

Tập đoàn Almaz muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Tập đoàn Almaz, một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nga, là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực thiết kế thiết bị radar và các hệ thống điều khiển tự động đa mục đích.
Đại diện tập đoàn Almaz khẳng định, doanh nghiệp này coi Việt Nam là thị trường tiềm năng để hợp tác đầu tư, sẵn sàng phát triển thương mại song phương bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay bên cạnh các hướng hợp tác truyền thống.
Theo ông Alexander Ponomarenko, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Almaz, đến nay tập đoàn đã hợp tác và giao dịch với trên 50 quốc gia trên toàn thế giới.
Các thiết bị mà Almaz sản xuất bao gồm: Hệ thống kiểm soát không lưu, các loại radar điều phối hàng không và các thiết bị chống phương tiện bay không người lái (UAV)...
"Vừa qua, chúng tôi cũng đã có cơ hội làm việc với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và thảo luận rất nhiều chủ đề. Chúng tôi rất hy vọng được tham gia vào Dự án sân bay quốc tế Long Thành với hệ thống radar kiểm soát không lưu của Almaz có tên là ATC. Các sản phẩm của chúng tôi cũng đã đạt tiêu chuẩn EU", - ông Ponomarenko nói với báo Quân đội nhân dân.
Thời gian qua, việc thiếu kiểm soát những thiết bị bay không người lái đã ảnh hưởng lớn đến các chuyến bay dân sự, hoặc những địa điểm, trụ sở quan trọng. Do đó, tập đoàn Almaz đã tập trung phát triển những công nghệ đặc biệt để vô hiệu hóa các thiết bị này, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn cho những địa điểm dân sự tụ tập đông người hoặc quan trọng.
Kỷ niệm chương và dấu ấn hợp tác văn hóa Nga – Việt bền chặt
Đại diện Tập đoàn Almaz cũng cho biết có thể góp vốn để sản xuất không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam, mà đủ khả năng để xuất ra thị trường thế giới.
"Chúng tôi làm việc với các cơ quan Nhà nước Việt Nam, vì vậy sẽ có sự bảo đảm cho các khoản đầu tư", - ông Ponomarenko nói.
Theo ông, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho các công ty công nghệ cao và Almaz có thể cung cấp những công nghệ cao ấy cho Việt Nam. Doanh nghiệp cam kết sẵn sàng chia sẻ Việt Nam các dự án đầu tư mới nhất của mình.
Hiện Almaz mong muốn tham gia đấu thầu hoặc đầu tư vào các sản phẩm dân sự như hệ thống kiểm soát không lưu ATC các trạm radar, các loại radar dẫn đường, radar cất hạ cánh cho máy bay dân sự; các trang thiết bị sân bay cho Dự án sân bay quốc tế Long Thành với kinh phí từ 53 triệu USD đến 300 triệu USD.
Cũng theo đại diện Tập đoàn Almaz, doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với các công ty Việt Nam trong cung ứng, trao đổi máy móc, kinh nghiệm sử dụng các thiết bị dân sự như tổ hợp giám sát, đo đạc thời tiết (lượng mưa, sức gió, bão…); thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp (phun thuốc trừ sâu, giám sát dịch hại…), máy thu hoạch lúa, rau quả để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, giảm thiểu các tổn thất sau thu hoạch.
Đây là những lĩnh vực được xem là có nhu cầu lớn ở Việt Nam hiện nay. Việc thúc đẩy các lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra hiệu quả.
Thảo luận