Lãi suất SCB dẫn đầu hệ thống, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát biến động

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thông báo, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,4%/năm và có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.
Sputnik
NHNN nhấn mạnh, việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước vẫn theo sát diễn biến tiền tệ trong nước.
SCB hiện là ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay 9,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng.

Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay giảm 0,4%

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 6/3/2023, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi.
Trong đó, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (nhóm Big 4 quốc doanh) giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
“Thời gian qua, NHNN theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ”, - Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước: Việt Nam tăng dự trữ đồng đô la
Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm.
“Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022)”, - Ngân hàng Nhà nước cho biết và lưu ý hiện đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.

SCB dẫn đầu về lãi suất

Sáng nay ngày 6/3, Vietcombank giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng 0,2%/năm so với mức lãi trước đó.
Đáng chú ý, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước thực hiện giảm lãi suất huy động từ 6/3. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng ở mức 5,8%/năm, 12 tháng ở mức 7,4%/năm, từ 24 tháng trở lên xuống còn 7,2%/năm.
Agribank cũng đã hạ lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng 0,2-0,3% so với trước, các kỳ hạn còn lại giữ nguyên.
Ở nhóm tư nhân, mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường là 9,5%, chỉ còn xuất hiện tại ngân hàng SCB và Kienlongbank. Trong khi đó, LienVietPostBank, VietCapitalBank, NamABank, BaoVietBank sáng nay cũng đã giảm lãi suất 0,1-0,6% với các kỳ hạn 6-12 tháng.
Một số ngân hàng cổ phần cũng công bố giảm lãi huy động từ hôm nay. Trong đó, Sacombank giảm lãi huy động ở kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm, 12 tháng còn 7,9%/năm và mức cao nhất là 8,4%/năm thuộc kỳ hạn 36 tháng. Riêng với các kỳ hạn dưới 6 tháng, ngân hàng này đang huy động từ 5,5 - 6%/năm.
Toà Việt Nam thụ lý vụ trái chủ kiện ngân hàng SCB và Chứng khoán Tân Việt
Ngân hàng TMCP Bản Việt đã áp dụng lãi suất tiết kiệm trực tuyến mới, giảm ở kỳ hạn 6 tháng xuống 8,1%/năm, 9 tháng còn 8,5%/năm, 12 tháng còn 8,9%/năm và mức cao nhất 9,5%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. Ở tiết kiệm thông thường, lãi suất huy động của nhà băng này thấp hơn 0,1%/năm.
Trước đó, một số ngân hàng đã thực hiện giảm lãi huy động. Như Sputnik đã thông tin, ngày 4/3, ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. Mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,4-0,5 điểm % so với trước đó. Lãi suất các kỳ hạn 12-15 tháng từ mức 9,5%/năm còn 9%/năm; lãi suất kỳ hạn 18-36 tháng giảm về 9,1%/năm.
Hay như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), ở kỳ hạn 6 và 9 tháng giảm lãi từ 8,3%/năm xuống 7,8%/năm; 12 tháng từ 8,6%/năm xuống 8,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại MSB giảm tương ứng xuống còn 9%/năm dành cho sản phẩm lãi suất đặc biệt kỳ hạn 15 và 24 tháng, gửi tối đa 5 tỉ đồng/khách hàng.

Linh hoạt và theo dõi sát

Các chuyên gia đánh giá, việc các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi là điều kiện để hạ lãi suất cho vay.
Trước đó, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN khi vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Đây là một thách thức trong điều kiện nền kinh tế mở, dòng vốn luân chuyển nhanh, mạnh nên cần thực hiện hài hòa, đồng bộ các chính sách điều tiết tiền tệ, lãi suất để hỗ trợ cho việc ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá.
Về lạm phát, căn cứ vào báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,08% so với cùng kỳ năm 2022, Thống đốc cho biết NHNN đang theo dõi sát các diễn biến của lạm phát để có giải pháp điều hành phù hợp.
Về thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, trước hết về tình hình thanh khoản, sau những cú sốc vào cuối năm ngoái, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp điều hành, đến nay thanh khoản hệ thống đã dần cải thiện và hiện đang khá dồi dào, ổn định.
Ở Việt Nam nói về "bài học quan trọng" sau vụ rút tiền ồ ạt ở ngân hàng SCB
Về tỷ giá, Thống đốc nhấn mạnh, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước.
“Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Tính đến sáng 3/3, đồng VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022”, - Thống đốc cho biết và nhấn mạnh, đây là mức mất giá thấp so với nhiều đồng tiền trong khu vực.
Về lãi suất, NHNN đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay.
“Thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%/năm; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành hợp lý theo hướng phấn đấu giảm lãi suất hơn nữa”, - Thống đốc nêu.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới, trong nước, điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Ngân hàng Nhà nước họp khẩn chiều nay
Nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất. Khơi thông thị trường liên ngân hàng. Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm an toàn thanh khoản và hệ thống.
“Chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Rà roát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường nói chung”, - Thủ tướng chỉ đạo.
Thảo luận