Vì sao F88 bị “sờ gáy”? Ai là chủ chuỗi cầm đồ, cho vay tiền lớn nhất Việt Nam?

Ngoài trụ sở chính ở số 238-242 Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, Công an thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phong tỏa, khám xét khẩn cấp rất nhiều chi nhánh của Công ty F88 - chuỗi cầm đồ, cho vay tiền lớn nhất Việt Nam.
Sputnik
Ông chủ của F88 là Phùng Anh Tuấn, một cựu hacker khá đình đám trong giới công nghệ Việt Nam.

Đồng loạt khám xét khẩn cấp nhiều chi nhánh F88

Thông tin từ Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối giờ chiều 6/3, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục khám xét nhiều chi nhánh công ty CP kinh doanh F88 (Công ty F88).
Đến tận chiều tối nay, Công an TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục phối hợp với Công an quận Gò Vấp và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phong tỏa tòa nhà tòa nhà số 238-242 Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, trụ sở chính của công ty F88 để thực hiện việc khám xét.
Không chỉ riêng trụ sở của Công ty F88 tại địa bàn quận Gò Vấp, rất nhiều chi nhánh của công ty này ở nhiều địa bàn khác tại TP Hồ Chí Minh cũng bị Công an kiểm tra, khám xét. Theo thông tin được báo CAND đăng tải, gần như toàn bộ các chi nhánh của Công ty F88 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều bị kiểm tra, khám xét để phục vụ công tác điều tra.
Được biết, công ty F88 có trên 80 chi nhánh và phòng giao dịch được đặt ở 23 quận/ huyện của TP Hồ Chí Minh. Các chi nhánh này chủ yếu tập trung tại các quận/ huyện như TP Thủ Đức, quận Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh... với trung bình từ 5 đến 7 địa điểm. Hoạt động trong lĩnh vực tài chính cho vay, cầm đồ...
Ghi nhận tại chi nhánh của Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải, quận 1; chi nhánh của F88 trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức; chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Quá, quận 12; chi nhánh trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú..., Công an đều cử lực lượng thực hiện việc phong tỏa, kiểm tra, khám xét, thu hút sự chú ý rất lớn của người dân.
Hay như tại quận 1, lực lượng chức năng gồm Công an quận 1, Công an TP Hồ Chí Minh, bảo vệ dân phố phong tỏa bên ngoài để phục vụ việc kiểm tra, khám xét ở bên trong.

Vì sao F88 bị “sờ gáy”?

Công ty F88 được thành lập năm 2013, hoạt động chính ở mảng cho vay tiền, cầm đồ. Hiện F88 là chuỗi cầm đồ, cho vay tiền lớn nhất cả nước, với khoảng 800 cửa hàng và điểm bán hàng trên toàn quốc.
Công ty F88 có trụ sở chính trên đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).
Như Sputnik đã đưa tin, sáng nay, lực lượng phối hợp đã có thực hiện khám xét tại tòa nhà Mộc Gia, số 238-242 Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp.
Công an, CSGT, CSCĐ cũng đã có mặt bên ngoài toà nhà cũng như các ngã tư Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị và Nguyễn Oanh - Nguyễn Văn Lượng, phong tỏa, bảo vệ an ninh trật tự khu vực trên, điều hòa giao thông tránh ùn tắc, giải tỏa đám đông hiếu kỳ tập trung bên ngoài ảnh hưởng đến lưu thông của người dân.
Động thái “sờ gáy” F88 diễn ra sau thời gian Bộ Công an và Công an các tỉnh thành liên tục triệt phá các đường dây thu hồi nợ kiểu xã hội đen.
Cơ quan Công an cho rằng có hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm vu khống, khủng bố, đe dọa buộc trả tiền.
Việc khám xét trụ sở chính của F88 được thực hiện sau một thời gian Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận Gò Vấp điều tra, ghi nhận phản ánh về việc Công ty CP Kinh Doanh F88 thực hiện hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản theo kiểu "khủng bố".
Thực tế, thời gian gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá các đường dây tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động núp bóng dưới hình thức các công ty để thực hiện hành vi vu khống, cưỡng đoạt tài sản.
Chẳng hạn, hàng chục người của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset bị bắt giữ hay việc công an đã triệt phá, khởi tố nhiều người làm việc tại chi nhánh Công ty luật TNHH Power Law (quận 12) về tội vu khống. Phương thức của các nhóm này là hoạt động dưới vỏ bọc công ty kinh doanh tài chính, văn phòng luật sư, tuyển dụng hàng trăm nhân viên để thu hồi nợ thông qua thủ đoạn "khủng bố", liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối.
Liên quan đến hoạt động của Công ty F88, trước đó, hồi đầu tháng 2, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88.
Theo đó, những cơ sở này bị xác định vi phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như: lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản.
Thêm vào đó, Công an tỉnh Thanh Hoá cũng lưu ý, tuy lãi suất cầm cố và lãi suất cho vay của F88 đều nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép, nhưng trong quá trình làm thủ tục đăng ký cho người có nhu cầu thế chấp tài sản vay tín dụng, các cơ sở này lại yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí.
Khám xét khẩn cấp văn phòng "đại gia cầm đồ" F88

Ai là chủ của F88?

F88 là hệ thống chuỗi cầm đồ được sáng lập bởi cựu 'hacker' đình đám trong giới công nghệ Việt ông Phùng Anh Tuấn. Theo thông tin trên Viettimes, ông Tuấn sinh năm 1984 và là một sinh viên xuất sắc của đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Sau khi đầu quân cho một số tập đoàn công nghệ lớn, năm 2003, ông Tuấn quyết định khởi nghiệp, thành lập Công ty An ninh mạng VSEC (sau này đổi tên thành CTCP An Ninh Mạng Việt Nam). Ông cũng được biết tới là nhà sáng lập tập đoàn công nghệ G-Group.
Ông Phùng Anh Tuấn hiện đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của F88.
Ban đầu, công ty này có quy mô vốn điều lệ 54,5 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư F88 (F88 Invest) nắm chi phối, với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,99% vốn điều lệ. Sau nhiều lần tăng vốn, cập nhật đến tháng 10/2022, F88 có vốn điều lệ 566,9 tỉ đồng.
Về phần mình, F88 Invest được thành lập vào tháng 11/2015, có địa chỉ trụ sở chính tại một số nhà trên đường Hùng Vương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Chốt đến tháng 11/2022, quy mô vốn của F88 Invest đạt 69,88 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 51,287% vốn điều lệ, bao gồm: Skydom Pte Ltd (37,035% VĐL), Bronze Blade Limited (11,63% VĐL) và James Alan Barron (2,622% VĐL).
Mới đây, hệ thống F88 đã được Quỹ đầu tư Vietnam-Oman Investment Fund (VOI) và Mekong Capital Fund IV rót 50 triệu USD.
Thảo luận