Kêu cứu Bộ Công an, NHNN khi mất 46,9 tỷ đồng tiền trong tài khoản ngân hàng Sacombank

Bị mất 46,9 tỷ đồng trong tài khoản gửi tại Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Sacombank (Phòng giao dịch Cam Ranh, Khánh Hoà), bà Hồ Thị Thùy Dương gửi đơn kêu cứu tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan điều tra Bộ Công an.
Sputnik
Bà Hồ Thị Thuỳ Dương cho biết mình là "nạn nhân của việc phòng giao dịch Cam Ranh và cán bộ ngân hàng Sacombank tự ý rút tiền trong tài khoản để thực hiện mục đích cá nhân".

Tố ngân hàng Sacombank chiếm giữ 46,9 tỷ đồng trong tài khoản cá nhân

Bà Hồ Thị Thùy Dương, sinh năm 1977, trú tại tổ dân phố Phú Thịnh, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà đã có đơn kêu cứu gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan thông tấn, báo chí về việc ngân hàng Sacombank chiếm giữ 46,9 tỷ đồng trong tài khoản cá nhân.
Theo đơn kêu cứu, bà Dương trình bày bản thân là chủ tài khoản 0500420042321 mở tại Ngân hàng Sacombank, Chi nhánh Khánh Hòa, Phòng giao dịch Cam Ranh.
Được biết, đây là tài khoản để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh tôm giống giữa bà Dương và các chủ hàng, hộ cá thể nuôi tôm.
Tuy nhiên, tháng 5/2022, bà Dương phát hiện ra tài khoản của bà bị mất tiền và bà đã đề nghị Ngân hàng Sacombank trích lục sao kê từ ngày 01/5/2022 để kiểm tra và đối chiếu các giao dịch.
Sau khi rà soát, bà Dương phát hiện có 12 giao dịch (09 giao dịch rút tiền mặt và 03 giao dịch chuyển khoản) bất thường với số tiền thâm hụt lên đến 46,9 tỷ đồng.
Nêu cụ thể điểm bất thường với báo Xây dựng (cơ quan của Bộ Xây dựng), nữ khách hàng cho biết:
"Nội dung giao dịch ghi tôi rút tiền mặt (09 giao dịch) nhưng thời gian thực hiện giao dịch nằm trong khung giờ từ 18h đến 21h, đây là khung giờ mà mọi giao dịch tại ngân hàng đều đóng cửa".
Theo tường trình của bà Dương, trong 3 giao dịch chuyển khoản trái phép thì có 01 giao dịch được thực hiện trót lọt với số tiền 11 tỷ đồng. Trong khi hạn mức cho phép tối đa chuyển khoản của bà chỉ là 10 tỷ đồng.
Thêm nữa, từ trước đến nay, bà Dương cũng không có bất kỳ ủy quyền cho ai thay mặt để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng. Phản ánh của báo Xây dựng cũng nêu, theo quy định giao dịch của cá nhân khi rút tiền tại ngân hàng sẽ bắt buộc thực hiện gồm các bước như: Xuất trình giấy tờ cá nhân có giá trị để giao dịch viên lập lệnh rút tiền; ký tên trên các chứng từ rút tiền; đối chiếu thông tin, đối chiếu chữ ký mẫu và chứ ký trên giấy rút tiền…
Sau đó, bộ phận kiểm soát kiểm tra chéo thông tin, kiểm tra lệnh rút tiền và chuyển cho bộ phận thủ quỹ để xuất tiền. Bộ phận thủ quỹ xác nhận lệnh xuất tiền tại quầy giao dịch, chuyển cho cán bộ giao dịch và cá nhân người rút tiền kiểm đếm trước mặt nhân viên giao dịch.
"Quy trình giao dịch rút tiền qua nhiều khâu và chặt chẽ như vậy nên việc 46,9 tỷ đồng của bà Dương không cánh mà bay là điều không thể chấp nhận được", - bà Dương bày tỏ nỗi uất ức khi bị mất tiền.
Bất ngờ: Trung tâm Lưu ký chứng khoán nới room ngoại vì nhầm VietBank với Sacombank?

Kêu cứu Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước

Đến ngày 04/01/2023, trước sự việc số tiền 46,9 tỷ đồng trong tài khoản bị rút trái phép tại Phòng giao dịch Cam Ranh, Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa, bà Hồ Thị Thùy Dương đã làm đơn cầu cứu gửi đến cơ quan thanh tra của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để cầu mong sự giúp đỡ.
Ngày 09/01/2023, đại tá Nguyễn Quang Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lâu (Bộ Công an) đã có phiếu chuyển đơn của bà Dương đến thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Khánh Hòa) để điều tra và thông báo kết quả điều tra về Cục.
Ngày 10/01/2023, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng có Văn bản số 54/TB-C02-P1 về việc chuyển đơn của bà Hồ Thị Thùy Dương đến Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Đến ngày 17/01/2023, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có văn bản trả lời bà Dương với nội dung:
"Vụ việc bị công an Khánh Hòa khởi tố và điều tra nên Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng đề nghị bà Dương gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa để được giải quyết".

Sacombank yêu cầu khách hàng không lan truyền thông tin trên MXH

Trong khi đó, tại một diễn biến khác, Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank đã có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo đến bà Dương:

"Sacombank chấp nhận hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng cho bà Dương trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước".

Cũng theo nội dung ủy quyền này, khi nhận 15 tỷ đồng này từ Sacombank, bà Dương phải thực hiện các yêu cầu của phía Sacombank như:
"Không thực hiện việc đăng tin, lan truyền thông tin này trên mạng xã hội và các phương tiện khác khi chưa có sự kết luận của Cơ quan chức năng và sự đồng ý bằng văn bản của Sacombank".
Tuy nhiên, khách hàng Hồ Thị Thuỳ Dương không chấp nhận nhận lại 15 tỷ đồng từ Sacombank theo "kiểu ban phát" này.
Khẳng định với báo giới, bà Dương nêu rõ, bản thân là khách hàng gửi tiền, bà chỉ muốn giải quyết với ngân hàng, gửi tiền vào ngân hàng và chỉ nhận lại tiền từ ngân hàng.
"Còn nhân viên hay ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", - bà Dương nhấn mạnh.
Thảo luận