Về thị trường trong nước, báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lưu ý, thị trường thép vẫn ảm đạm, giá nguyên liệu thép leo thang, doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm để bù lỗ.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhập khẩu thép Việt Nam
Thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong tháng 2/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 796.400 tấn sắt thép các loại, thu về kim ngạch 602,2 triệu USD.
Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép trong giai đoạn này lên đến 840.100 tấn, trị giá hơn 673 triệu USD.
Ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu sắt thép trong tháng vừa qua đều tăng tương đối mạnh so với tháng trước. Dù vậy, lũy kế từ đầu năm 2023, cả kim ngạch và lượng xuất nhập khẩu đều cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào đang ở vùng giá thấp.
Đáng chú ý, trong top các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam lần đầu có sự xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành.
Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã tận dụng sự thiếu hụt nguồn hàng do ảnh hưởng từ trận động đất lịch sử ngày 6/2/2023 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đó, hậu quả của trận động đất đã ảnh hưởng trực tiếp tới công suất sản xuất thép của nước này khi các nhà máy thép lớn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đóng cửa trong nhiều tuần.
Mới đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có buổi làm việc với các nhà sản xuất thép về cung cấp sản phẩm cho các dự án tái thiết ở các vùng bị thiệt hại bởi động đất. Theo CafeLand, kết quả của buổi họp vẫn chưa có thông tin chính thức.
Cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn
Ước tính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chi khoảng 120 tỷ euro trong 5 năm để tái thiết đất nước, trong đó các mặt hàng quốc gia này đang rất cần là vật liệu xây dựng, bê tông, gỗ dán, gỗ ép...
Do đó, cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần khoảng 5 triệu tấn thép, bao gồm 3 triệu tấn thép cây, 750.000 tấn thép cuộn và 1,25 triệu tấn thép tấm cho xây dựng 350.000 ngôi nhà ở vùng Đông Nam nước này.
Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, thảm họa động đất khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại nước này gần như bị đình trệ hoàn toàn, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến tình hình xuất nhập khẩu chung giữa hai nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã và đang giao dịch với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực bị ảnh hưởng động đất nên có sự trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ nhằm có biện pháp thương thảo, ứng phó trong trường hợp bị ảnh hưởng tới việc giao thương hàng hóa và thanh toán.
Tình hình thị trường thép Việt Nam
Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nêu tại báo cáo “Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 2/2023 và 2 tháng đầu năm 2023” cho thấy, bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2023 đã có những tín hiệu khả quan.
VSA nhấn mạnh, một số chỉ tiêu đã có sự khởi sắc như tỷ lệ vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 3 lần.
Tuy vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã thấp hơn nhiều số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ 2022. Doanh số bán hàng thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với cùng kỳ.
VSA cho hay, sản xuất thép thành phẩm 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,285 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,851 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nhập khẩu, tháng 1/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 831 triệu tấn với kim ngạch đạt 731 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 2,86% về trị giá so với tháng trước, giảm 9,15% về lượng và giảm 21,43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 592 ngàn tấn với trị giá hơn 525 triệu USD, giảm 37,39% về lượng và 35,15% về giá trị so với tháng 12/2022. Trung Quốc vẫn là quốc gia cung cấp thép lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tỉ lệ 35,64%.
Với xuất khẩu, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu 672 ngàn tấn thép, giảm 18,24% so với tháng 12/2022 và giảm 17,53% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt gần 457 triệu USD giảm 21,75% so với tháng trước và giảm 49,02% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội cũng nhận định, thị trường bất động sản trì trệ cùng với hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên sử dụng thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết.
Thép tăng giá
Đồng thời, dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy, trong năm 2022 các yếu tố không thuận lợi đã khiến sản lượng thép thô toàn cầu giảm 4,3%, xuống còn 1,83 tỷ tấn.
Hầu hết các hoạt động sản xuất bị đình trệ khó có thể quay trở lại vào năm 2023. Vì vậy, cán cân cung - cầu hiện tại sẽ không thay đổi nhiều và có thể tiếp tục kéo dài sang nửa cuối năm.
Riêng ở Trung Quốc, quốc gia này đã triển khai một loạt chính sách kích thích, đặc biệt là trên thị trường bất động sản, như một phần trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế vốn đã bị hạn chế bởi các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn COVID-19 trong phần lớn năm 2022.
Việc bắt đầu xây dựng mới nhà ở, yếu tố thúc đẩy nhu cầu thép quan trọng nhất ở Trung Quốc, có thể vẫn có xu hướng giảm cho đến hết năm 2023. Mặc dù hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã quay trở lại trong tháng 1 sau khi nới lỏng chính sách chống Covid-19 nhưng nhu cầu thép dự kiến vẫn không cải thiện lớn.
Nhiều ý kiến đánh giá, nhu cầu thép yếu nhưng nguồn cung dồi dào, giá thép khó có thể tăng đáng kể trong năm nay.
Các mục tiêu và kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc để chống ô nhiễm cũng yêu cầu ngành thép phải cắt giảm sản lượng hàng năm. Việc cắt giảm như vậy có xu hướng cân bằng tình hình cung cầu.
Nhưng năm nay, tình hình được dự báo sẽ khác. Các nguồn tin cho biết bất kỳ sự cắt giảm sản lượng thép nào do chính phủ bắt buộc sẽ không nghiêm ngặt trong năm 2023 để tránh gây áp lực cho tăng trưởng kinh tế.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, bước sang tuần thứ hai của tháng 3, các doanh nghiệp thép khu vực miền Nam đã rục rịch thông báo tăng giá bán thép.
Sau điều chỉnh, giá bán thép xây dựng hiện nay tại thị trường miền Nam tăng 5 - 6% so với tháng cuối năm 2022. Nhiều khả năng sắp tới thị trường phía Bắc cũng sẽ điều chỉnh tăng theo.