Nhà cung cấp Trung Quốc đua nhau sang Việt Nam

Doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau sang Việt Nam đầu tư để tránh hậu quả thương chiến Mỹ - Trung và chi phí lao động tăng cao.
Sputnik
Việt Nam được hưởng lợi và thu hút hàng loạt nhà sản xuất lớn đến đầu tư nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia và vị trí gần Trung Quốc.

Điểm lợi của Việt Nam

Việt Nam đã hưởng lợi từ làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sau khi đất nước láng giềng phương Bắc đột ngột hủy bỏ chiến lược kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh nghiêm ngặt, khiến các công ty và nhà cung cấp nước ngoài tháo chạy khỏi tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sau khi Trung Quốc kết thúc chính sách Zero COVID vào tháng 12, các công ty Trung Quốc đã dành 50 ngày đầu năm 2023 để đầu tư vào 45 dự án mới tại Việt Nam, một con số kỷ lục, theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, với những tên tuổi lớn đã có mặt tại quốc gia Đông Nam Á này, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ các hiệp định thương mại tự do và vị trí gần Trung Quốc.
Thêm vào đó, các công ty tạo nên làn sóng đầu tư hiện nay chủ yếu là các nhà cung cấp nhỏ.
Thúc đẩy cho việc di chuyển này là chi phí lao động tăng lên ở Trung Quốc, việc Mỹ ngày càng giới hạn thương mại liên quan đến công nghệ cao với Bắc Kinh, và các mức thuế quan đối kháng trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã kích hoạt làn sóng đầu tư Trung Quốc trước đây vào Việt Nam.

"Nhu cầu từ các công ty Trung Quốc về đầu tư sản xuất tại Việt Nam tăng đáng kể trong quý cuối năm ngoái", Michael Chan, giám đốc cấp cao về cho thuê của công ty chuyên gia bất động sản công nghiệp BW Industrial Development, cho biết.

"Đầu tư của Trung Quốc cũng tăng đáng kể", chuyên gia chỉ rõ.

Xuyên biên giới

Sự đổ bộ trước đó của các tập đoàn lớn nước ngoài như Samsung Electronics Co Ltd, Canon Inc, Apple Inc, Hon Hai Precision Industry (Foxconn) và Luxshare Precision Industry đã góp phần mở rộng nhanh chóng các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực đa dạng như điện thoại thông minh và máy in.
Phần lớn các nguồn cung cấp vẫn chủ yếu đến từ Trung Quốc. Nước này chiếm hơn 20% đầu vào nhập khẩu cho xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2021, gần gấp đôi so với năm 2017, theo tính toán của chuyên gia David Dollar thuộc Viện Brookings của Mỹ, dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Các công ty nhỏ hơn cung cấp vật tư và dịch vụ cho các tập đoàn lớn hơn có cơ sở ở Việt Nam hiện chiếm phần lớn trong số các công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ở phía bắc.
Quy mô của các nhà cung cấp này được phản ánh trong chi tiêu trung bình của Trung Quốc cho các dự án mới của Việt Nam trong năm nay, khoảng 5,6 triệu USD, so với mức trung bình dài hạn là 6,5 triệu USD.
Ví dụ, trong ngành công nghiệp tấm pin mặt trời của Việt Nam, do các công ty Trung Quốc thống trị, đã có một lượng lớn các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ như đúc nhựa, đúc khuôn và lưu trữ năng lượng, các nguồn tin trong ngành cho biết.
Dữ liệu cho thấy các công ty điện tử, robot và thiết bị gia dụng của Trung Quốc cũng là bên chi tiêu nhiều nhất cho các hợp đồng thuê công nghiệp hồi năm ngoái. Ngoài ra, còn những công ty ván sàn, nhà sản xuất kính và nhà cung cấp linh kiện cho các thiết bị của Apple được lắp ráp bởi Foxconn và Luxshare, một lãnh đạo công ty cho biết.
Nhìn chung, trong khi các nền kinh tế trên toàn thế giới gặp khó khăn trong việc bình thường hóa sau đại dịch và kéo theo đó là sự sụt giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các công ty Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần chi tiêu cho các địa điểm xây dựng mới ở Việt Nam trong năm nay lên 250 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Con số này chỉ đứng sau đầu tư từ Singapore và hơn hẳn các nhà đầu tư truyền thống như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Điểm yếu của ô tô điện giá rẻ Trung Quốc ở Việt Nam
Koen Soenens, giám đốc kinh doanh tại khu công nghiệp DEEP C ở miền Bắc Việt Nam, nói với Reuters rằng số lượng hợp đồng mà công ty của ông ký với các công ty Trung Quốc vào năm 2022 đã tăng mạnh vào cuối năm và trong quý vừa qua, cao hơn đáng kể so với số lượng hợp đồng đã ký với các công ty từ bất kỳ quốc gia nào khác.

"Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay dựa trên các yêu cầu mà chúng tôi nhận được từ Trung Quốc", Soenens nói.

Trong số các đối tác mới, ông Soenens đề cập đến nhà cung cấp ô tô Xiamen Sunrise Group, nhà sản xuất linh kiện bảng điều khiển năng lượng mặt trời Hanghzou First Applied Material và nhà sản xuất thiết bị sạc xe điện Starchange.
Thảo luận