Để ngăn “trào lưu” rút BHXH một lần, theo các chuyên gia, cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, căn cơ nhất, là phải tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
"Trào lưu" rút bảo hiểm xã hội một lần
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút một lần trong khi đó có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội. Như vậy, tỷ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống.
Theo Bộ, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%.
“Hiện nay đang có "trào lưu" rút bảo hiểm xã hội một lần”, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói và nhấn mạnh trung bình mỗi năm có khoảng 700.000 rời khỏi hệ thống.
Năm 2022, có gần 900.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần.
Có thể thấy con số này tăng lên hàng năm. Trước thực tế “ồ ạt” rút BHXH một lần, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này, có hai nhóm quy định để người lao động cân nhắc việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về nhóm gián tiếp, sẽ có các quy định tạo cơ hội để họ dễ dàng hưởng lương hưu hơn như giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu hưởng lương hưu, có thêm liên kết tầng giữa trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản. Như vậy, người lao động sẽ có thêm nhiều lựa chọn để hưởng lương hưu thay vì rút bảo hiểm, rời khỏi hệ thống.
Về nhóm giải pháp trực tiếp, đề xuất quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần với hai phương án: Giữ như quy định hiện hành và phương án còn lại là được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đối với trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, ông Lê Hùng Sơn cho biết, theo dự thảo mới, người lao động có rất nhiều lựa chọn. Cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan an sinh xã hội sẵn sàng chờ người lao động quay lại thị trường lao động, có việc làm, có thu nhập để cộng nối thời gian đóng, sau này được hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, người lao động có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm còn thiếu để cộng vào cho đủ điều kiện hưởng lương hưu.
“Hiện tối thiểu cần 20 năm, nhưng nếu dự thảo Luật thông qua, sau này chỉ cần 15 năm sẽ được hưởng lương hưu”, vị lãnh đạo chỉ ra lợi ích.
Mặt khác, người lao động sẽ được hưởng lương hưu trước khi đến tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Hiện, theo quy định 80 tuổi mới được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng, nhưng sau này đối với những người rút bảo hiểm xã hội nhưng còn thời gian chưa đủ 15 năm thì trước năm 80 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp từ quỹ hưu trí và tử tuất.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tin tưởng, với các phương án như vậy, người lao động có thể yên tâm về quyền lợi của mình nếu chưa rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ông Sơn lý giải, điều này có nghĩa là cơ quan an sinh xã hội chỉ giữ hộ cho người lao động số tiền đó thôi.
“Tiền của người lao động vẫn là của họ. Sau này, họ cũng có rất nhiều lựa chọn, nên đừng vội vàng rút để sau này hối tiếc. Bởi có rất nhiều người bây giờ muốn nộp lại số tiền trước đây đã rút để được hưởng chế độ nhưng không được nữa”, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý.
Vì sao ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần?
Ở tầm nhìn dài hạn, theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, muốn hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần phải thực hiện kết hợp đồng bộ giải pháp.
Trong đó, có những giải pháp không nằm trong pháp luật về bảo hiểm xã hội. Dân trí dẫn lời ông Cường cho biết, giải pháp chính sách việc làm là một trong những yếu tố quan trọng. Nhiều người nhận bảo hiểm xã hội một lần do mất việc, không tìm được việc làm mới. Do quá khó khăn nên họ đã nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, nếu giải quyết vấn đề trên bằng các chính sách việc làm, hỗ trợ quay trở lại thị trường lao động thì không ai nhận hiểm xã hội một lần.
“Tới đây, dự kiến sửa đổi Luật Việc làm sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp… Tôi hy vọng rằng khi liên kết chính sách đồng bộ sẽ hạn chế được thực trạng trên”, ông Cường bày tỏ.
Chung góc nhìn, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, bản chất của bảo hiểm xã hội một lần là giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động khi mất việc làm.
Vậy nên, muốn hạn chế tình trạng ồ ạ rút BHXH một lần thì phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất.
“Vì vậy, căn cơ nhất là nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động khi họ tham gia vào quan hệ lao động”, theo ông Lê Đình Quảng.
Thêm một nguyên nhân dẫn đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần là do nhiều người lao động chưa có niềm tin vào hệ thống an sinh.
Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật chỉ ra rằng, thời gian qua, nhiều trường hợp người lao động không được giải quyết chế độ do doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, cần tăng cường biện pháp, đảm bảo thực thi pháp luật để tạo niềm tin cho người lao động.
Không nên quy định cứng nhắc?
PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn chia sẻ với báo CAND quan điểm để người lao động không rút BHXH một lần trước tiên là các chính sách để duy trì, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tiếp đến là chính sách BHXH cần linh hoạt tạo điều kiện cho người lao động khi không làm việc tại doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện để về già được hưởng lương hưu.
“Tôi cho rằng, nguyên nhân người lao động rút BHXH một lần là nhiều công nhân lao động cho rằng, nếu họ có gắn với doanh nghiệp, họ cũng không có tương lai. Đầu tiên là tương lai việc làm, thứ hai là tương lai về BHXH. Họ khó có thể theo đến vài chục năm nữa để được hưởng lương hưu. Tâm lý như thế nên họ lĩnh BHXH một lần. Trong khi đó, chính sách BHXH hiện nay không chỉ chưa linh hoạt mà thậm chí còn khô cứng”, PGS.TS Vũ Quang Thọ thẳng thắn.
Nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định của Bộ luật Lao động, hiện nay tuổi nghỉ hưu đang tăng dần theo lộ trình, cho đến khi đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Điều này tạo ra khoảng thời gian quá dài từ khi lao động hết tuổi nghề nghỉ làm cho đến khi nhận hưu trí.
Từ góc nhìn của người lao động, nhiều hoàn cảnh khó khăn không đồng tình với đề xuất chỉ cho rút 50% BHXH một lần. Theo chia sẻ của một nữ công nhân, khi phải rút BHXH, có nghĩa là người lao động đang rất khó khăn, đang cần gấp một khoản tiền để họ có thể kinh doanh hay trang trải cuộc sống trước mắt.
“Đây là khoản tiền do người lao động và người sử dụng lao động đóng vào trong quá trình người lao động làm việc, do đó tôi cho rằng, quyền rút thế nào nên để người lao động lựa chọn. Không thể quy định cứng nhắc”, nữ công nhân bày tỏ tâm nguyện.