Vết thương vĩnh viễn không lành đã in hằn dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức của mỗi người Iraq, dù là quân nhân hay dân thường. Đó cũng là đề tài cuộc trò chuyện của Sputnik với Chuẩn tướng Ayad al-Tufan, chỉ huy lữ đoàn 7 lực lượng biên phòng thuộc quân đội Iraq.
Đơn vị do ông chỉ huy có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho chặng dài 574 km từ biên giới Iraq-Jordan đến giữa biên giới Iraq-Saudi Arabia. Tại đó có 22 đồn biên phòng: là những khu vực nguy hiểm nhất trong cuộc đụng độ với quân đội Hoa Kỳ trước khi người Mỹ ập đến Baghdad. Chuẩn tướng là một chứng nhân về tội ác của quân Mỹ trong thời kỳ chiếm đóng.
Ông tính thời điểm bắt đầu cuộc xâm lược của Mỹ không phải từ ngày 20 tháng 3, như thông lệ trên thế giới, mà theo hồi ức của ông, vào ngày 17 tháng 3 năm 2003 đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của cuộc xâm lăng quân sự. Điềm báo thì còn sớm hơn nữa.
Sputnik: Sau nhiều năm Iraq bị phong tỏa và cạn kiệt quân đội trong bối cảnh người ta ráo riết tung ra thông tin về sự hiện diện của vũ khí hủy diệt hàng loạt trong nước, phía các ông có chờ đợi chiến dịch trên bộ của quân đội Hoa Kỳ ở Iraq?
Tướng Ayad al-Tufan: Sẽ là sai lầm và thiển cận nếu cho rằng cuộc chiến của Mỹ ở Iraq bắt đầu vào ngày 17 tháng 3 năm 2003 và kết thúc vào ngày 9 tháng 4. Trên thực tế, chiến tranh đã bắt đầu ngày 2 tháng 8 năm 1990, khi quân đội Iraq tiến vào Kuwait. Điều này trở thành điềm báo trước cho mọi bi kịch mà đất nước tôi phải chịu đựng sau khi rút quân rời khỏi nước láng giềng.
Trong toàn bộ thời gian sau chiến dịch Kuwait đã hiện hữu cuộc phong tỏa rất khắc nghiệt. Và quân đội Iraq là đối tượng đầu tiên nếm trải điều đó: cả trên bình diện kế hoạch đào tạo nhân sự cũng như về tiến hành tập trận. Thậm chí Lực lượng Không quân cũng không có hệ thống huấn luyện mùa đông hay mùa hè một cách bài bản.
Sputnik: Ông nghĩ gì về những lập luận và nguyên cớ mà phía Mỹ đưa ra để bắt đầu cuộc chiến ở Iraq?
Tướng Ayad al-Tufan: Thời gian đã chỉ ra rằng tất cả những cái cớ để khơi mào chiến tranh đều là bịa đặt nguỵ tạo. Và ở đây tôi những muốn trích dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Powell, người đã lắc cái ống nghiệm trên tay trong phiên họp của Hội đồng Bảo an, nói rằng thời điểm này đánh dấu mốc kết thúc sự nghiệp chính trị-quân sự của ông ta và đó là quyết định đáng buồn nhất mà ông ấy phải đưa ra trong đời mình.
Trong khi đó, bất kể những tuyên bố về lỗi lầm, cũng không thể coi đó chỉ là sai sót ngẫu nhiên tự phát. Hoa Kỳ đã vạch sẵn kế hoạch để Iraq sụp đổ.
quân đội Mỹ ở Iraq, năm 2003
© AP Photo / Jerome Delay
Sputnik: Là một vị chỉ huy của quân đội Iraq, ông đã chuẩn bị cho cuộc chiến ra sao và điều gì đã xảy ra sau khi bắt đầu chiến dịch trên bộ của quân Mỹ?
Tướng Ayad al-Tufan: Có thời điểm mà tôi muốn nói lần đầu tiên: vào lúc 2 giờ sáng 17 tháng 3 năm 2003, vài ba giờ trước khi Mỹ ném bom Baghdad, 2 chiếc trực thăng Mỹ đã cất cánh từ căn cứ Ruwaishid ở Jordan và 2 chiếc nữa từ căn cứ quân sự ở vùng Arar của Saudi Arabia. Họ đã tiêu diệt hết các tiền đồn đóng quân của lính biên phòng lữ đoàn 7 do tôi chỉ huy.
Chúng tôi buộc phải rút lực lượng còn lại. Đồng thời khi phá huỷ các tiền đồn cũng ghi nhận hoạt động tình báo giám sát của Mỹ trên mặt trận Jordan và Saudi Arabia. Và trước đó số máy bay này đã hoạt động ở khoảng cách nhất định trên lãnh thổ Saudi Arabia và Jordan. Chúng tôi biết tàu sân bay của Hoa Kỳ không tiến hành di chuyển trong khu vực ngoại trừ khi thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Chúng tôi đã theo dõi sự di chuyển này và nhận ra rằng chiến tranh là chuyện không thể tránh khỏi.
Sputnik: Điều gì đã xảy ra khi quân Mỹ chuẩn bị tiến vào Baghdad?
Tướng Ayad al-Tufan: Lực lượng chiếm đóng của Mỹ đã huy động vũ lực quá mức, sử dụng vũ khí hạng trung và hạng nặng gần các điểm dân cư, vi phạm Công ước Geneva nghiêm cấm việc này trong thời chiến.
Họ đã sử dụng mọi loại vũ khí chống lại dân thường để tác động đến tinh thần của cư dân, buộc phải rút lại sự ủng hộ dành cho quân đội Iraq đang chiến đấu. Do đó, những cuộc oanh tạc của Mỹ không chỉ nhắm vào các chủ thể quân sự mà còn nhắm vào các đô thị, bởi vậy người Mỹ đã thực hiện các vụ thảm sát ở Iraq ngay từ trước năm 2003.
Trong số đó có vụ thảm sát trên con đường gọi là «xa lộ tử thần», khi quân đội Iraq rời khỏi Kuwait với trung gian của Nga và dưới sự kiểm soát của Liên Hợp Quốc. Vụ này dẫn đến cái chết của hàng nghìn người và phá hủy hàng chục nghìn đơn vị trang thiết bị kỹ thuật. Những đòn tấn công đường không khi đó không hề phân biệt quân sự và dân sự, nhiều tội ác khác cũng xảy ra vào thời điểm này, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam và miền Trung, chiếm tỷ lệ lớn nhất về hứng chịu các cuộc ném bom của quân Mỹ.
Lính Mỹ cạy bỏ con dấu của Tổng thống Iraq ngay trước cửa cung điện của Saddam Hussein ở Baghdad, Iraq, 2003
© AP Photo / John Moore
Sputnik: Mọi thứ diễn ra như thế nào trong những giờ đầu tiên khi quân đội Mỹ tiếp cận Baghdad?
Tướng Ayad al-Tufan: Vào thời điểm đó, hầu hết quân đội Iraq đã di chuyển đến khu vực lân cận, chúng tôi đã vạch mấy phương án hành động trong trường hợp tình hình có bất kỳ diễn biến.
Yếu tố quan trọng mang lại lợi thế cho quân Mỹ là chênh lệch lớn về trang bị vũ khí. Khi không thể đột phá thông qua khu vực Umm Qasr, họ đã tiến vào sa mạc ở khu vực An-Nasiriya và Samawa, cho đến khi tới vùng ngoại vi của An-Najaf. Sau đó, họ đến sa mạc Karbala, rồi từ đó đến Musayib và xa hơn nữa là Baghdad. Trang bị quân sự của họ đảm bảo cung ứng dự trữ vật tư và đạn dược.
Trong bối cảnh Mỹ có ưu thế vượt trội trên không thì chúng tôi chẳng có hệ thống phòng không dù là đơn giản nhất. Công bằng mà nói, thảm kịch phong tỏa đã ảnh hưởng tiêu cực đến quân đội Iraq đang rất thiếu thốn vũ khí. Tuy nhiên, thái độ can đảm mà binh sĩ của chúng tôi thể hiện từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 đã trở thành biểu tượng về sự ngoan cường của người lính Iraq bảo vệ mảnh đất của mình.
Sputnik: Người dân Iraq có mang hoa chào đón quân Mỹ như George W. Bush cố tưởng tượng không?
Tướng Ayad al-Tufan: Tất cả những tin đồn này chẳng liên quan gì đến thực tế và người ta cố lan truyền chỉ nhằm phá vỡ tinh thần của cư dân và quân đội Iraq. Bọn chiếm đóng đã tước đi phẩm giá và chủ quyền của chúng tôi, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người Iraq, và cho đến nay họ vẫn đang làm bao điều ghê tởm, còn tội ác và thói lật mặt của Mỹ thì không biết đến hồi kết.
Và quy luật đó không chỉ đúng với LLVT Hoa Kỳ, mà còn cho các nhóm quân sự tư nhân với các chiến binh vô cớ tiến hành cuộc tấn công và giết hại dân thường.
Biết bao nhiêu vụ thảm sát đã xảy ra ở ngay trung tâm Baghdad? Hành động tàn ác của quân Mỹ ở Iraq rất đáng xấu hổ và ô nhục. Chúng tôi đã thấy điều đó vào năm 1991 khi họ ném bom oanh tạc nơi ẩn náu của dân ở Amiriyah. Và tất cả tội ác như vậy xác nhận rằng họ là đội quân dựa trên thói lộng hành vi phạm nhân quyền và liên tục sỉ nhục người yếu thế.
Sputnik: Theo ông, tội ác chống nhân loại tồi tệ nhất mà lực lượng Mỹ gây ra sau khi đến Baghdad là gì?
Tướng Ayad al-Tufan: Tôi cho rằng một trong những tội ác tàn bạo nhất của quân đội Mỹ gây ra trong trận chiến ở sân bay Baghdad. Phía Iraq đã tổ chức cuộc phục kích rất lớn ở đó sau khi nhận thông tin rằng 12 chiếc trực thăng Chinook của Mỹ chở đầy binh lính đã đến cảng hàng không.
Ngay khi máy bay tiếp đất, binh sĩ Iraq đã phóng luồng điện cực mạnh khiến 11 chiếc trực thăng của Mỹ cùng binh sĩ trên trực thăng bị thiêu rụi, chỉ 1 chiếc thoát khỏi bẫy.
Trong trận chiến thứ hai ở sân bay, các chiến sĩ Iraq bắt được nhiều tù binh và giết chết hơn 200 lính…
Khi đó, quân Mỹ đã sử dụng vũ khí hóa học làm tan chảy xương thịt con người theo đúng nghĩa đen. Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều bộ xương cháy thành than, trông rất kỳ lạ. Hơn thế nữa, sau đó nơi diễn ra cuộc giao tranh đã biến thành khu vực đóng cửa cấm toàn bộ người Iraq.
Năm năm sau, quân đội Hoa Kỳ mở đấu thầu chuyên chở đất ở đó ra bên ngoài thành phố. «Đất than» được giao cho người Mỹ, bốc xuống và trả lại bằng xe đất khác. Giá một xe là 1.000 USD.
Lớp đất cháy đen trong khu vực được khoét sâu 5-10 mét, thay thế bằng đất từ nơi khác, để giấu mọi dấu vết tội ác dùng vũ khí hóa học.