Choáng váng khi phát hiện mất 46,9 tỷ đồng, khách hàng có đòi được tiền từ Sacombank?

Vụ khách hàng Hồ Thị Thuỳ Dương bị mất 46,9 tỷ đồng tiền gửi trong tài khoản ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chi nhánh Cam Ranh, Khánh Hòa tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Sputnik
Luật sư phân tích các khả năng liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh trong trường hợp khách hàng mất tiền cũng như việc liệu ngân hàng Sacombank có phải liên đới bồi thường thiệt hại hay không.

Choáng váng phát hiện mất 46,9 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng Sacombank

Như Sputnik đưa tin, một khách hàng thông báo bị mất 46,9 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, Khánh Hòa.
‘Nạn nhân’ là bà Hồ Thị Thùy Dương (SN 1977, trú ở phường Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).
“Tôi là nạn nhân của việc phòng giao dịch Cam Ranh và cán bộ ngân hàng Sacombank tự ý rút tiền trong tài khoản để thực hiện mục đích cá nhân”, bà Dương nêu trong đơn tố cáo.
Theo đơn tố cáo, trước đó, vào tháng 5/2022, sau khi phát hiện tài khoản bị thiếu tiền một cách bất thường, bà Dương đã đề nghị Phòng Giao dịch Sacombank TP. Cam Ranh trích lục sao kê từ đầu tháng 5/2022 để đối chiếu. Nữ khách hàng choáng váng khi thấy các giao dịch từ tài khoản của mình được thực hiện, nhưng không có tin nhắn báo biến động tài khoản về số điện thoại của mình.
Bản sao kê thể hiện, có đến 12 giao dịch rút tiền và chuyển khoản, với tổng số tiền lên tới 46,9 tỷ đồng. Trong số 12 giao dịch, có đến 9 giao dịch rút tiền mặt, nhưng thời gian thực hiện giao dịch vào khung giờ từ 18 đến 21 giờ.
“Đây là điều vô lý, bởi khoảng thời gian này các ngân hàng đều đóng cửa. Một trong 3 giao dịch chuyển khoản trái phép mà tôi phát hiện lên tới 11 tỷ đồng. Việc này cũng không đúng bởi hạn mức cho phép tối đa chuyển khoản của tôi là 10 tỷ đồng”, bà Dương cho biết.
Bức xúc khi 46,9 tỷ đồng trong tài khoản bị rút trái phép, bà Dương đã làm đơn gửi đến Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có phiếu chuyển đơn của bà Dương đến Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa để điều tra và thông báo kết quả điều tra về Cục.
Sau khi vào cuộc xác minh, thu thập chứng cứ, ngày 18/11/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam về tội danh “Tham ô tài sản” đối với Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Phó trưởng Phòng giao dịch Cam Ranh, thuộc Sacombank Khánh Hòa và nguyên thủ quỹ Ngô Thị Hồng Nhạn. Cùng bị khởi tố về tội danh này, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú còn có hai nhân viên Sacombank là Nguyễn Trà My và Ngô Nữ Hồng Hải.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, Nguyễn Thị Thanh Hà tự ý sử dụng thông tin tài khoản, thẻ tiết kiệm của khách hàng rồi nhiều lần chỉ đạo ba đồng phạm làm hồ sơ tín dụng khống vay tiền với tài sản đảm bảo là các thẻ tiết kiệm của khách hàng, lập chứng từ khống tất toán và rút tiền của khách hàng, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Sacombank có động thái bất ngờ vụ khách mất tiền, chuyện gì xảy ra?

Khi nào Sacombank phải bồi thường tiền?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi bày tỏ quan điểm cho rằng việc cơ quan chức năng khởi tố Phó phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh – Nguyễn Thị Thanh Hà về tội tham ô tài sản với những dấu hiệu ban đầu là chính xác và hợp lý.
Theo ông Đức, Phó phòng giao dịch Cam Ranh là người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp còn các cán bộ, nhân viên ngân hàng khác là những người được giao thực hiện các nhiệm vụ tại ngân hàng, trong đó có việc bảo đảm tiền gửi cho khách hàng và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.
“Việc họ tự ý rút gần 47 tỷ đồng, theo cáo buộc của bà Dương, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị xử lý về tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015”, VOV dẫn phân tích của luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ.
Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức phân tích, về nguyên tắc, những người làm trong ngân hàng nói riêng là làm theo sự phân công, ủy quyền, giao việc của ngân hàng nên sai thì ngân hàng phải chịu.
“Nếu nhân viên ngân hàng làm không đúng quy trình, không đúng quy định của pháp luật và quy định nội bộ thì thuộc về trách nhiệm nội bộ trong ngân hàng, chứ nguyên tắc là ngân hàng sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với khách hàng nếu cán bộ của mình làm sai khiến khách hàng mất tiền, tài sản hay những thiệt hại khác”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo luật sư, tuy Nguyễn Thị Thanh Hà (nguyên Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh) đã bị khởi tố về tội Tham ô tài sản nhưng người nào chưa bị Tòa án kết tội thì vẫn không thể coi là có tội.
Trường hợp này, mới chỉ là khởi tố vụ án, khởi tố bị can, còn cần quá trình điều tra, xem xét.
Trong vụ việc khách hàng phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hoà bị mất tiền, sau quá trình điều tra, nếu xác định rõ khách hàng không có sai phạm gì thì ngân hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Nếu có bằng chứng rằng khách hàng có sơ suất thì họ sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Hoặc nếu khách hàng cố tình sai trái hoặc thông đồng với cán bộ ngân hàng thì câu chuyện sẽ hoàn toàn chuyển theo hướng khác, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của một phía”, luật sư chỉ rõ.

Đã chuyển sang công an là có dấu hiệu hình sự

Hiện sự vụ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 137/QĐ-CKT ngày 18/11/2022 và khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân liên quan nhằm phục vụ công tác điều tra.
Liên quan đến phản ánh của khách hàng Hồ Thị Thùy Dương tại Cam Ranh, Khánh Hòa, Sacombank đã có phản hồi chính thức, như Sputnik đề cập trước đó. Ngân hàng này khẳng định, những thông tin khách hàng Hồ Thị Thùy Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.
“Sacombank đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và nhận thấy có dấu hiệu vay mượn giữa bà Dương với một số cá nhân nguyên là cán bộ nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh với lãi suất cao trong nhiều năm”, ngân hàng nêu rõ.
Theo thông tin của Sacombank, các nội dung trao đổi giữa bà Dương và bà Nguyễn Thị Thanh Hà (nguyên Phòng Giao dịch Cam Ranh) đã được Văn phòng thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022.
Hồ sơ lưu trữ tại Sacombank cho thấy có đầy đủ chữ ký của khách hàng trên các giấy nhận tiền và ủy nhiệm chi (gồm 9 giấy nhận tiền và 3 ủy nhiệm chi).
“Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa”, Sacombank cho hay.
Trong suốt quá trình xử lý vụ việc, Ban lãnh đạo Sacombank đã tiếp xúc và làm việc với khách hàng nhiều lần để trao đổi, ghi nhận ý kiến nhưng hai bên chưa đi đến được thống nhất chung.
Hiện Sacombank vẫn đang chờ ý kiến từ phía công an để có hướng giải quyết. Nhiều người cho rằng đây là cách xử lý chưa hợp tình, hợp lý, nhất là khi ngân hàng đã trả tiền cho một số khách hàng bị rơi vào trường hợp giống bà Hồ Thị Thùy Dương. Dù vậy, theo luật sư, một khi đã chuyển sang cơ quan công an thì có dấu hiệu vụ án hình sự. Trường hợp nào không liên quan, có thể xử lý nhanh. Trường hợp nào có dấu hiệu liên quan đến tội phạm hình sự, pháp luật cho phép dừng lại để chờ kết luận của cơ quan điều tra, thậm chí là Viện kiểm sát, Tòa án.
Đặc biệt, nếu sau này, cơ quan chức năng xác định Sacombank đúng thì đương nhiên, họ không phải chi trả khoản tiền đó, thậm chí có thể thu hồi lại số tiền đã trả cho khách hàng.
“Tuy nhiên, nếu Sacombank sai toàn bộ thì ngoài việc trả toàn bộ số tiền gốc, tiền lãi trong hạn mà khách hàng bị mất, ngân hàng còn phải trả lãi quá hạn khi không trả tiền đúng hạn theo đúng quy định của pháp luật”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Sacombank chờ kết quả điều tra từ Công an

Ngày 17/3,, đại diện Công an tỉnh Khánh Hoà cho biết, liên quan đến sai phạm tại Phòng Giao dịch Sacombank TP. Cam Ranh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can để tiếp tục điều tra, xử lý về tội tham ô tài sản. Vụ án đang trong quá trình điều tra, khi có kết luận Công an tỉnh sẽ thông tin cho báo chí.
Về phàn mình, Sacombank đã ra quyết định sa thải các cá nhân vi phạm và bổ nhiệm nhân sự mới nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của Phòng Giao dịch Sacombank TP. Cam Ranh. Ngân hàng đảm bảo toàn bộ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật và không thoái thác trách nhiệm. Ngân hàng cũng chủ trương xử lý nghiêm khắc mọi vi phạm và áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của Sacombank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.
“Trong suốt quá trình xử lý vụ việc, ban lãnh đạo Sacombank đã tổ chức nhiều buổi làm việc để giải đáp các vấn đề bà Dương vướng mắc. Sacombank khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại Phòng Giao dịch Sacombank TP. Cam Ranh nói chung, nhưng mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng”, Sacombank nhấn mạnh.
Ngày 17/3, ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa xác nhận, đơn vị đã nắm thông tin về trường hợp bà Hồ Thị Thùy Dương tố cáo nhân viên của Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa ở Phòng Giao dịch Sacombank TP. Cam Ranh chiếm đoạt 46,9 tỷ đồng.
Sacombank tìm ra bằng chứng vụ khách mất 46,9 tỷ đồng tiền gửi ở ngân hàng
“Hiện nay, trường hợp này đang được Công an tỉnh điều tra làm rõ. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp người gửi tiền bị mất tiền không thuộc lỗi của người gửi tiền, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho người gửi tiền”, ông Thảo cho hay.
Vị lãnh đạo cũng nêu rõ, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa sẽ theo dõi và có giải pháp theo quy định của pháp luật, sau khi cơ quan công an có kết quả điều tra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, đồng thời giữ vững ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thảo luận