Chia sẻ với báo chí sáng 23/3, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết đoàn chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định nguy cơ các nạn nhân ngộ độc Botulinum ngay khi hội chẩn trực tuyến với đồng nghiệp tại Quảng Nam. Do đó, lãnh đạo bệnh viện lập tức đồng ý với đề xuất mang 5 lọ thuốc giải BAT (Botulism Antitoxin Heptavalent) ra ứng cứu.
Ngày 18/3, 3 bệnh nhân ngộ độc nặng được truyền thuốc giải độc. Đến nay, đã có 2 bệnh nhân rất nặng được rút khí quản, một trường hợp khác tiến triển tốt. Còn lại 2 lọ thuốc BAT, bệnh viện sẽ mang về để tiếp tục lưu kho, điều trị những trường hợp khác.
Đây là loại thuốc giải độc còn lại sau đợt ngộ độc pate chay hồi năm 2021. Thuốc tên BAT, chai 50ml, có giá trên 8.000 USD. Ba bệnh nhân được truyền thuốc đang cải thiện tốt, trong đó hai ca đã được cai máy thở.
“Cứu được 3 mạng người, chúng tôi thực sự rất mừng. Nạn nhân đều là đồng bào dân tộc, cuộc sống vất vả. Bệnh viện Chợ Rẫy miễn phí hoàn toàn tiền thuốc giải độc”, bác sĩ Thức chia sẻ. Hai lọ BAT chưa sử dụng là những liều giải độc Botulinum cuối cùng của cả nước.
TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết, các loại thuốc hiếm là do ít bệnh nhân phải sử dụng, có giá rất đắt, nếu lưu trữ lâu mà không dùng sẽ hết hạn, phải tiêu hủy. Tình huống này dễ bị quy về việc lãng phí. Do đó, bệnh viện đề xuất cần có quy chế rõ ràng về việc lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia.
“Về phía Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đề xuất Bộ Y tế nên có một sự lưu trữ thuốc hiếm ở tầm quốc gia, ví dụ như thuốc trị độc rắn cắn, ngộ độc, cần là có thể nhanh chóng điều chuyển liền ở bất kỳ địa phương nào. Còn tình huống bệnh nhân ngộ độc ở Quảng Nam là mang tính cá biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy thôi. Cũng may là mình còn thuốc, nếu không còn thì mua cũng không kịp”, TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết.