"Bộ Nội vụ thống kê được 1 triệu 89 nghìn người biểu tình ở Pháp hôm thứ Năm. Con số này cao gấp đôi so với cuộc biểu tình trước đó vào ngày 15 tháng 3 (480 nghìn người), nhưng ít hơn so với cuộc biểu tình đầu tiên vào ngày 19 tháng 1 (1,12 triệu người), ngày 31 tháng 1 (1,27 triệu người) và ngày 7 tháng 3 (1,28 triệu người)", - bài báo viết.
Còn theo tổ chức nghiệp đoàn mang tên "Tổng Liên đoàn Lao động" (CGT), các cuộc biểu tình trên khắp đất nước đã quy tụ được số lượng tham gia kỷ lục - 3,5 triệu người. Tại Paris theo số liệu của Bộ Nội vụ đã có 119 nghìn người xuống đường biểu tình. Con số nghiệp đoàn thống kê là 800 nghìn người tham gia. Đến tối thứ Năm có 80 người ở thủ đô đã bị bắt giữ. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết ít nhất có 123 cảnh sát bị thương trong các cuộc biểu tình.
Theo phóng viên Sputnik, ngay sau khi bắt đầu cuộc diễu hành ở Paris đã có sự hỗn loạn trong đoàn người biểu tình. Xảy ra một số vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Những người biểu tình đã tấn công lực lượng an ninh bằng bom xăng, pháo hoa và pháo nổ, cũng như chai nhựa và chai thủy tinh đựng các loại chất lỏng khác nhau. Cảnh sát thả hơi cay và lựu đạn gây choáng vào người biểu tình. Đến tối, khi đoàn người di chuyển đến điểm tuần hành cuối cùng là Quảng trường Opera, các cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra. Một xe vòi rồng được điều đến quảng trường.
"Cái kết của nền dân chủ" ở Pháp
Cuộc đình công hôm thứ Năm là cuộc đình công đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Elisabeth Bourne tuyên bố rằng cải cách sẽ được thông qua mà không cần thủ tục bỏ phiếu bắt buộc tại quốc hội. Động thái này đã gây ra sự phẫn nộ trong các nghị sĩ, những người tuyên bố về "cái kết của nền dân chủ". Vì quyết định này nên ở Paris và các thành phố khác trên khắp nước Pháp đã nổ ra các cuộc biểu tình tự phát, kết thúc bằng đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.
Sự bất mãn của công chúng ngày càng sâu sắc sau cuộc phỏng vấn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đăng tải hôm thứ Tư, trong đó ông bảo vệ đạo luật mới và tỏ ý tiếc rằng chính quyền không thể giải thích rõ hơn cho người dân về sự cần thiết của đạo luật này. Trước đó nhà lãnh đạo Pháp ủng hộ việc vận dụng Điều 49.3 để thông qua dự luật tăng độ tuổi nghỉ hưu và cho rằng "đám đông" không có tính hợp pháp, khác với việc công dân thể hiện quan điểm thông qua các đại biểu quốc hội được họ bầu lên.
Tại Pháp đã có tám cuộc biểu tình phản đối dự luật trên toàn quốc. Hầu hết trong số đó quy tụ hơn một triệu người tham gia trên khắp cả nước. Các cuộc biểu tình đi kèm với những hành động bạo loạn và đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng thực thi pháp luật.