Những người Nga đầu tiên đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, như thường lệ, chỉ thăm thú Sài Gòn, và hiếm khi đến các tỉnh lân cận. Vây ai là người Nga đầu tiên đã đi dọc nước Việt Nam từ Bắc vào Nam? Đó là Grigory De Vollan: nhà ngoại giao, nhà hoạt động xã hội, nhà văn và nhà báo. Họ của ông không phải là Nga, tổ tiên của De Vollan là quý tộc Hà Lan. Ông của De Vollan đã chuyển đến Nga vào cuối thế kỷ 18. Grigory De Vollan sinh năm 1847. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Matxcơva, ông phục vụ tại Bộ Ngoại giao.
Ông từng làm việc ở Hungary, Serbia, - nhân đây xin nói thêm rằng khi đó ông đã tình nguyện xung vào Quân đội Serbia và tham gia chiến đấu giải phóng đất nước này khỏi ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 1881, ông làm việc theo hướng châu Á. De Vollan đã đến Trung Quốc, Ấn Độ, Miến Điện, Campuchia, Xiêm La, đảo Java. Sau đó, De Vollan làm việc tại Nhật Bản. Ông đã đến thăm Trung Quốc, Ấn Độ, Birma, Campuchia, Xiêm. Năm 1891, trên đường từ Hồng Kông đến Phnôm Pênh, ông đã thực hiện một cuộc hành trình xuyên suốt Việt Nam trong vòng một tháng: từ Hải Phòng đến Sài Gòn, và xa hơn nữa đến biên giới Campuchia.
Về chuyến đi của mình, De Vollan ghi lại trong tập bút ký, sau đó công bố trên tạp chí "Tổng quan Nga", còn vào năm 1894 tập bút ký này đã được xuất bản ở Saint-Peterburg thành cuốn sách riêng, sau đó vào bộ sưu tập ghi chép hành trình của những du khách Nga đã đến thăm các nước châu Á.
Grigory Alexandrovich De Vollan
© Ảnh : Public domain
Như vậy, như các bạn thấy, độc giả Nga vào cuối thế kỷ 19 có thể làm quen với Việt Nam, thấy những hình ảnh của đất nước này qua con mắt của một người khách quan và tỏ rõ thiện ý như De Vollan. Tại Việt Nam, ông đã đến thăm Hải Phòng và Hà Nội, Sơn Tây và Bắc Ninh, Huế và Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và Sài Gòn, Mỹ Tho và Vĩnh Long. Trong vòng một tháng, ông đã vượt quãng đường từ Bắc vào Nam, đi dọc chiều dài đất nước Việt Nam bằng cách đi bộ, đi bằng thuyền và bằng xe lửa — trên tuyến đường sắt 18 km đầu tiên vừa được đưa vào hoạt động.
Những ghi chép về Việt Nam của De Vollan cho đến nay vẫn rất thú vị như một cuốn tư liệu đầy xác thực, cung cấp nhiều thông tin cho cả các nhà khoa học và tất cả những ai quan tâm đến Việt Nam. Và đối với chúng ta, những ghi chép này cũng rất thú vị vì chúng giúp hiểu những cư dân Nga đã hình dung Việt Nam như thế nào một trăm ba mươi năm trước.
Độc giả Nga học được gì từ những bài bút ký của De Vollan vào cuối thế kỷ 19?
Ví dụ, tác giả cho các độc giả Nga biết rằng, lịch sử Việt Nam "nổi bật đặc điểm chiến tranh liên tục và những cuộc phân tranh huynh đệ tương tàn”. Ông viết về triều đại Hậu Lê, về thời cai trị của chúa Trịnh và nhà Nguyễn, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, về việc Nguyễn Phúc Ánh chiếm ngai vàng, về các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Hiệp Hòa. Ông đã viết về cách người Pháp xâm nhập vào Việt Nam, họ đã làm thế nào để chia cắt và chiếm đất nước. Họ “chỉ để lại cái bóng độc lập cho vị hoàng đế ở An Nam phải luôn sống tại cung điện Huế, nền tài chính của đất nước nằm trong tay người Pháp”, nhà ngoại giao Nga viết.
De Vollan cũng viết về mối quan hệ phức tạp của Việt Nam và Trung Hoa, và ông nhận xét rằng “trong nhiều năm dài Trung Quốc đã ảnh hưởng đến đời sống Việt Nam". Du khách Nga lưu ý, yếu tố Trung Quốc rất mạnh ở Việt Nam. Người Trung Quốc vào đất nước này theo hai con đương. Con đường hòa bình - khi nhiều người Hoa đến bằng đường biển và hòa nhập với người dân địa phương thông qua các cuộc hôn nhân. Và con đường hiếu chiến - khi các băng nhóm vũ trang của người Hoa từ phía bắc tấn công thường dân ở Bắc Kỳ, bắt phụ nữ và trẻ em đi, hoặc hòa nhập với người dân địa phương thông qua các cuộc hôn nhân cưỡng ép.
De Vollan lưu ý, ở vùng núi phía bắc, các băng đảng Trung Quốc với số lượng từ 300 đến 400 người, có thể coi mình hoàn toàn an toàn. Họ sống bằng cách cướp bóc những ngôi làng xung quanh, nơi cư dân thấy mình như thể đang bị kẹt giữa hai ngọn lửa.
“Nếu cư dân cho phép bọn cướp vào ngôi làng thì sẽ bị người Pháp trừng phạt. Nhưng, người Pháp vẫn có thể thông cảm với tình thế vô vọng của họ và thương xót họ. Còn bọn cướp là khác, nếu chúng bị từ chối, thì sớm muộn gì chúng cũng trả thù, đốt làng, bắt phụ nữ và bán sang Trung Quốc. Chính người Trung Quốc đại diện cho tầng lớp thương mại và công nghiệp ở Việt Nam, chính họ là những người sở hữu những ngôi nhà đẹp nhất”, - nhà ngoại giao Nga đã viết cách đây một trăm ba mươi năm.
De Vollan cấp cho các độc giả Nga đương thời những thông tin thú vị về ngôn ngữ Việt Nam với những thanh sắc biến tấu đa dạng, nhờ đó thay đổi ý nghĩa của những từ giống nhau khi viết ra. Học giả Nga thời ấy nhận xét rằng đây là nét đặc thù của tiếng Việt. Theo De Vollan, đây là khó khăn lớn đối với người nước ngoài khi học tiếng để giao tiếp với dân địa phương.
Là một người ham học hỏi và hay quan sát, trong các ghi chú của mình, ông đã giới thiệu với người Nga về những phong cảnh đẹp ở Việt Nam, về các truyền thống và nghề thủ công của cư dân địa phương cũng như về diện mạo của họ. Ông cũng cho độc giả biết, Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm lụa tơ tằm. Nghệ thuật sơn mài cũng rất phổ biến ở Việt Nam. Ông đặc biệt chú ý đến việc sản xuất giấy từ vỏ cây.
De Vollan mô tả một ngôi làng gần Hà Nội, nơi tất cả cư dân đều chuyên làm giấy thủ công: giấy từ vỏ cây rất mềm nhưng rất khó xé, du khách Nga lưu ý. Điều thú vị là 150 năm sau, một đoàn làm phim của truyền hình Nga đã đến thăm ngôi làng đó. Và hàng triệu người Nga đã xem trên truyền hình chính công nghệ thủ công này đã từng khiến De Vollan thích thú, đã thấy toàn bộ quá trình làm ra loại giấy độc đáo này.
De Vollan không giấu giếm rằng, ông không thích hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam nhai trầu và có vẻ như có cái miệng đầy máu. Nhưng ở Việt Nam răng đen là một tiêu chuẩn về vẻ đẹp của phụ nữ, ông lưu ý và đưa ra một ví dụ: hoàng đế Việt Nam không thích phụ nữ châu Âu. Hoàng đế nói về họ:
"Những người phụ nữ châu Âu là tốt, nhưng thật tiếc là họ có hàm răng trắng!" De Vollan suy nghĩ như một triết gia và nhận xét rằng, như các bạn có thể thấy, tất cả mọi thứ trên đời này đều chỉ là tương đối."
Ông lưu ý, về mặt tôn giáo, người Việt Nam không khác nhiều so với người Trung Quốc. Cùng một tín ngưỡng thờ cúng tổ tổ tiên, cùng một chế độ đa thê để sinh nhiều con. Mối quan tâm chính của người phụ nữ Việt Nam là gia đình. De Vollan mô tả chi tiết những ấn tượng về sân khấu Việt Nam.
“Thông thường các kịch với cảnh trí được dàn dựng lộng lẫy nói về cuộc tranh giành ngai vàng hoặc việc thả công chúa bị kẻ ác bắt cóc. Có rất nhiều quy ước, gợi nhớ nhiều đến múa ba lê hoặc kịch câm, những bộ trang phục rất đẹp. De Vollan đặc biệt quan tâm đến đời sống nông thôn, ông đã đến thăm một số ngôi làng ở miền bắc Việt Nam. Ông mô tả chi tiết những con đường đến ngôi làng với những người đi bộ chân trần di chuyển theo đường. Bạn sẽ không thấy ngựa hay động vật kéo để vận chuyển những vật nặng", De Vollan lưu ý.
Phương tiện vận tải chính là con người: họ mang nông sản trong chiếc đòn gánh trên vai, hoặc kéo những chiếc xe cút kít được ghép bằng những mảnh gỗ. Và những con gia súc làm việc bận rộn trên cánh đồng: đây là một con trâu ngập trong nước đang kéo một cái cào, và một con trâu khác đang kéo cày.
Công việc đang diễn ra sôi nổi ở khắp mọi nơi. De Vollan mô tả chi tiết cả những nhà hàng ven đường và những ngôi làng được bố trí như những pháo đài, có hàng cây và hào bao quanh – đây là một phương pháp bảo vệ khỏi bọn cướp vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ông lưu ý, cách phòng thủ đáng tin cậy duy nhất chống lại bọn cướp là xây dựng những con đường tốt đến từng ngôi làng, nhưng khi nào thì điều đó mới xảy ra? Xin nhắc lại rằng, những ghi chép này đã được viết vào năm 1891.
Du khách Nga đã phân tích hệ thống tài chính của Pháp, các loại thuế do chính phủ thuộc địa Pháp đặt ra. Việc thu thuế được giám sát bởi người Pháp, nhưng nhiều người trong số họ không biết tiếng địa phương, phải dựa vào người phiên dịch - người trung gian giữa họ và người dân địa phương. Tất nhiên, đối với người dân địa phươg, đây không phải là dịch vụ miễn phí, du khách Nga lưu ý. Hệ thống tòa án cũng tốn nhiều tiền của người dân, tòa xử kéo dài lâu và có những bản án oan sai.
Thẩm phán nhận quà từ mỗi bên và với dự đoán về những món quà mới, sẽ cố tình kéo dài thời gian. Đôi khi số lượng món quà tăng lên cho đến khi một trong hai bên mời những tên cướp để giúp đỡ, và những kẻ cướp thực thi công lý và trả thù cũng không miễn phí. Nhà ngoại giao Nga đã giới thiệu với độc giả về những ngôi nhà trong làng, cách ăn ở của chủ và khách, cách tổ chức lễ cưới. Ông viết về ẩm thực Việt Nam như sau: “Gạo, cá, vỏ sò, thịt lợn, thịt gia cầm, rau, rong biển. Nước mắm là gia vị chính cho các món ăn Việt Nam, một loại nước sốt được làm từ cá đã phân hủy, nước muối và gia vị. Về mặt này, không có thay đổi cơ bản nào diễn ra trong 130 năm qua.
Sputnik sẽ tiếp tục câu chuyện về chuyến hành trình của nhà ngoại giao Nga De Vollan qua Việt Nam năm 1891 trong phần tiếp theo của loạt bài “Những trang sử vàng”.