Liên Xô đã thắng Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam
Hoa Kỳ đã thảm bại trong cuộc xung đột đẫm máu kéo dài ở Việt Nam. Trong kết quả đó một phần đáng kể là do sự hỗ trợ mà phía Liên Xô dành cho chế độ cộng sản miền Bắc và lực lượng «Việt cộng» ở miền Nam. Trên thực tế, Matxcơva đã đánh thắng Washington trong cuộc chiến ủy nhiệm.
SputnikĐó là nhận định do ông Mikhail Myagkov Giám đốc khoa học của Hiệp hội Lịch sử Quân sự Nga (RMHA) nêu ra với Sputnik.
Cách đây tròn 50 năm, ngày 29 tháng 3 năm 1973, Hoa Kỳ hoàn thành việc rút quân ra khỏi Việt Nam. Trong cuộc xung đột đó (1964-1975), Washington ủng hộ chính quyền thân Mỹ (Việt Nam Cộng hoà) ở miền Nam Việt Nam với thủ phủ ở Sài Gòn, còn Liên Xô giúp đỡ Bắc Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) với thủ đô Hà Nội, như cũng như tổ chức nổi dậy «Việt cộng» hoạt động ở miền Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam).
"Về thực chất có thể gọi cuộc xung đột này là chiến tranh ủy nhiệm giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, trong đó chúng ta đã đánh bại Washington. Ngày nay người ta nói rằng chúng ta chiến đấu ở đó để truyền bá chủ nghĩa xã hội, nhưng thực ra nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ nhân dân Việt Nam, bởi nếu không họ sẽ bị hủy diệt gần như hoàn toàn vì sức mạnh giết chóc tàn phá khủng khiếp của bom đạn Mỹ, bom napalm, chất độc khai quang và những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác", - chuyên gia Myagkov nói.
Theo quan điểm của nhà sử học, chính nhờ có sự giúp đỡ của Liên Xô mà Bắc Việt Nam mới có thể đứng vững trong cuộc chiến không cân sức với Hoa Kỳ và quân đội miền Nam Việt Nam được Mỹ hỗ trợ.
Viện trợ quân sự của Liên Xô
Theo dữ liệu do Giám đốc khoa học của Hiệp hội Lịch sử Quân sự Nga cung cấp, trong cuộc chiến đó, Liên Xô đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 2.000 xe tăng, 700 máy bay, chủ yếu là tiêm kích MiG-17, MiG-19 và MiG-21 tiên tiến nhất. Chuyên gia Myagkov nhấn mạnh rằng có một số trường hợp, chính các phi công Liên Xô đã xuất kích, tham gia cuộc chiến chống lại Không lực Hoa Kỳ, nhưng cho đến nay các chi tiết của những sự kiện này vẫn được giữ tuyệt mật.
Các huấn luyện viên quân sự Liên Xô cũng mang đóng góp đáng kể vào công tác củng cố lực lượng phòng không của Bắc Việt Nam, nhờ đó đã giáng đòn gây tổn thất đáng kể cho Không lực Hoa Kỳ - 3.200 máy bay quân sự Mỹ và hàng trăm trực thăng đã bị bắn hạ trong toàn bộ cuộc chiến.
"Kết quả cuộc chiến đã nâng tầm uy tín của Liên Xô, đất nước anh em chân tình giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh hùng đánh bại cường quốc mạnh nhất thế giới. Chính Hoa Kỳ cũng nhận thức rõ về thất bại của họ: vào cuối những năm 1960, cơ số quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam lên tới 550.000 người, đã huy động tốn phí nguồn lực khổng lồ mà trở về Mỹ là hàng nghìn chiếc quan tài kẽm. Trong khi đó Hoa Kỳ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào, còn Việt Nam thống nhất đất nước và trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, ở Việt Nam vẫn còn tù binh Mỹ", - ông Myagkov nhấn mạnh.
Tổn thất của các bên
Nói về những tổn thất mà các bên hứng chịu trong
Chiến tranh Việt Nam, nhà sử học lưu ý rằng quân đội Hoa Kỳ mất 58.000 binh sĩ thiệt mạng, 1.500 người khác thuộc diện mất tích.
Cuộc xung đột đẫm máu đã cướp đi 3 triệu sinh mạng người Việt Nam, trong đó có hơn 2 triệu dân thường. Tổn thất của các chuyên gia quân sự Liên Xô, theo số liệu chính thức, là 16 người, nhưng theo ông Myagkov, con số này có thể chưa phải là chính xác hoàn toàn.
Tội ác chiến tranh của Hoa Kỳ
Người đối thoại với hãng thông tấn Sputnik nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Việt Nam sẽ mãi mãi đi vào lịch sử với dấu ấn đậm nét là vô vàn tội ác chiến tranh mà quân đội Hoa Kỳ gây ra đối với dân thường ở đất nước này. Trong tương quan đó, sử gia Myagkov dẫn câu nói của viên tướng Mỹ Curtis LeMay, từng hô hào "ném bom biến Việt Nam thành thời kỳ đồ đá".
"Nói về cuộc xung đột ở Việt Nam trước hết phải nhắc đến hàng loạt tội ác chiến tranh của binh sĩ Hoa Kỳ. Quân Mỹ đã ném bom rải thảm: thời đó không có đạn dược «thông minh», binh sĩ Hoa Kỳ đã san bằng các khu dân cư, không hề mảy may xót thương những người dân vô tội. Ngoài ra, lính Mỹ đã đốt cháy Việt Nam bằng bom napalm theo đúng nghĩa đen, dẫn đến cái chết bi thảm của hàng trăm nghìn người", - nhà sử học Nga nhắc nhở.
Thêm một tội ác dã man kinh hoàng khác của quân đội Mỹ là sử dụng chất độc màu da cam (Agent Orange), chất làm rụng lá cây, rải bừa bãi khắp cánh rừng nhiệt đới mà theo xác nhận của giới quân sự Mỹ, cần làm chết trụi cả rừng cây, "khai quang" để lộ ra nơi du kích «Việt cộng» ẩn náu.
"Thực tế, đây là cách họ hủy diệt môi trường và con người. Hậu quả của việc sử dụng chất độc màu da cam vẫn cảm nhận rõ đến tận bây giờ. Hiện nay, ở Việt Nam, hàng chục nghìn trẻ sơ sinh chào đời với những căn bệnh di truyền trầm trọng, một số bé không có chân tay hoặc với những khuyết tật tâm thần khác nhau", - Giám đốc khoa học của Hiệp hội Lịch sử Quân sự Nga lưu ý.
Chuyên gia Myagkov bày tỏ quan điểm rằng có thể định tính hành động của lính Mỹ ở Việt Nam là tội ác diệt chủng.
Để chứng minh cho nhận xét của mình, nhà sử học dẫn một ví dụ là vụ thảm sát ở làng quê Sơn Mỹ (năm 1968): "Lính quăng lựu đạn vào những ngôi nhà có dân thường đang trốn. Tất cả những người sống sót đều bị bắt tập trung tại khoảng sân chính của làng và bị bắn chết, kể cả phụ nữ, người già và trẻ em. Thực chất chuyện ở đây nói về tội ác diệt chủng nhắm vào nhân dân Việt Nam".
Yếu tố cộng đồng xã hội Mỹ
Trong số những yếu tố cuối cùng buộc Washington phải rút quân khỏi Việt Nam, có phần vai trò quan trọng từ dư luận của chính người Mỹ và phong trào phản chiến quy mô lớn bừng lên ở Hoa Kỳ.
"Thời đó, ở Hoa Kỳ vẫn có báo chí tự do, các phóng viên đã tìm được cách thu thập thông tin về hành vi của binh sĩ Mỹ ở Việt Nam, về những vụ giết hại dân thường, cùng những tổn thất của chính phía Hoa Kỳ. Những bài báo này đã khuấy động xã hội Hoa Kỳ, khiến cộng đồng Mỹ thức tỉnh thấy cuộc chiến mà đất nước họ tham gia là tội ác", - nhà sử học Myagkov nói.
Theo quan điểm của ông, bất kể mọi cố gắng tuyên truyền hoa mỹ về sứ mệnh dân chủ, phần can dự của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam rốt cuộc đã mất hết ý nghĩa đối với các công dân Mỹ sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, mà kết quả là lực lượng Việt Nam DCCH đã giải phóng được hàng loạt điểm dân cư ở miền Nam, còn "Việt cộng" đã có thể đến tận Sài Gòn.
"Khi ấy, vốn vẫn nghe chính quyền thông báo rằng cuộc chiến đang diễn ra thuận lợi cho Hoa Kỳ, cộng đồng xã hội Mỹ đã nhận ra rằng cuộc xung đột này không hề có triển vọng nào. Sau đó, Washington buộc phải tham gia quá trình hoà đàm ở Paris, kéo dài từ năm 1969 cho đến năm 1973, mà kết quả là Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon đã phải đồng ý rút lực lượng viễn chinh của Mỹ ra khỏi Việt Nam", - ông Myagkov nhắc nhở.