Ngân hàng Nhà nước sắp làm gì?

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Sputnik
Nhà điều hành sẽ áp dụng linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, không để xảy ra căng thẳng thanh khoản.
Các tuyên bố đưa ra cho thấy, Ngân hàng Nhà nước có sự thận trọng nhất định và vẫn kiên định chính sách tiền tệ đa mục tiêu.

Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong ba năm qua

Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023 chiều 31/3.
Tại đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp.
Trên thị trường quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp diễn, có những ảnh hưởng nhất định tới tình hình trong nước.
“Ngoài ra, một số chính sách tài chính tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại lớn với nước ta cũng ảnh hưởng tới chính sách điều hành của Việt Nam”, - ông Tú lưu ý.
Trong bối cảnh đó, theo Phó Thống đốc, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Hết thời tiền rẻ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có chiến lược mới
Cụ thể,Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Phó thống đốc, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Ông Đào Minh Tú nêu rõ, tốc độ tăng trưởng tín dụng của mấy tháng đầu năm là không cao (thấp nhất 3 năm) nhưng cũng có những lý do khách quan lẫn chủ quan.
“Khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay khiến nhu cầu tín dụng bị chững lại. Thêm vào đó, giai đoạn đầu năm, một số dự án, giải ngân đầu tư chậm do bị ảnh hưởng bởi kỳ Tết Nguyên đán, dẫn đến tín dụng cũng tăng chậm”, - Phó Thống đốc lý giải.
Thực tế, từ cuối tháng 2 đến nay nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng để kích cầu, tuy nhiên với tình hình như hiện nay, theo các ngân hàng, phải cần thêm thời gian.
Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, nhiều khách hàng cá nhân không gồng nổi lãi suất phải cắt lỗ để lấy tiền tất toán hợp đồng vay trước hạn... khiến tín dụng khó tăng mạnh trở lại.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tháng 2 Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm, nhưng trong năm nay tín dụng vẫn tăng khoảng 14-15%.
Ông Tú nói thẳng, room tín dụng không còn là vấn đề và hiện câu chuyện tín dụng lúc này là điều kiện vay vốn, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp.

Sắp có văn bản chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Đối với tín dụng bất động sản, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) thống nhất có gói 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.
Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của 4 ngân hàng ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.
“Trong 1-2 ngày tới sẽ có văn bản chính thức triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ này, để có hướng dẫn cho vay thống nhất ở cả 4 ngân hàng”, - ông Đào Minh Tú tiết lộ.
Thông tin thêm về gói 120 nghìn tỷ đồng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đối tượng cho vay của gói này là chủ dự án và người mua nhà tại nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và nhà cải tạo chung cư cũ.
SVB sụp đổ: Ngân hàng Nhà nước có cách ngăn khủng hoảng domino tại Việt Nam
Về nguyên tắc mỗi người mua nhà chỉ được vay một lần, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, của Bộ Xây dựng và các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại.
“Khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng lại”, - bà Hà Thu Giang nói.

Lãi suất còn giảm nữa

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm, năm 2023, dự kiến lãi suất cho vay là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và áp dụng trong 3 năm và 8,2%/năm đối với người mua nhà áp dụng trong 5 năm.
Về điều hành lãi suất, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, áp lực lạm phát trong nước gia tăng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Việt Nam bán ròng 21 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước quay đầu mua vào ngoại tệ
Bên cạnh đó, trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng kể từ ngày 6/3/2023. Trên cơ sở đó, ngân hàng thương mại có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất dồi dào, không thiếu vốn, không căng thẳng.
“Quan điểm của NHNN lúc này là phải tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã điều hành các ngân hàng thương mại tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới sẽ vận động các ngân hàng thương mại giảm tiếp”, - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Xử lý các ngân hàng yếu kém

Về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức và xử lý nợ xấu, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 689 (Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022).
Về cơ bản sự ổn định, an toàn hệ thống của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững. Năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đi đúng hướng

“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra”, - Phó Thống đốc nhắc lại..

Bên cạnh đó, NHNN sẽ hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn.
Thảo luận