Nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của TP.HCM thấp một cách bất ngờ, theo chuyên gia là do sự đóng băng của thị trường bất động sản, tài chính, trái phiếu. Vụ án Vạn Thịnh Phát cũng có tác động phần nào.
Chuyện gì đang xảy ra với TP.HCM?
Kinh tế TP.HCM quý I/2023 chỉ tăng 0,7% - mức tăng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ).
Thông tin này đương nhiên gây chú ý, bởi từ trước đến nay thành phố Hồ Chí Minh vốn được biết đến là "đầu tàu kinh tế" của cả nước.
Theo dữ liệu công bố hôm 30/3 của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng kinh tế quý I năm 2023 của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý I năm 2023 cao nhất, đạt 9,65% và đứng vị trí thứ 3 trong 63 địa phương (sau Hậu Giang và Bình Thuận); Đà Nẵng tăng 7,12%, đứng vị trí thứ 19/63 địa phương. Hà Nội tăng trưởng 5,80%, đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 32/63 địa phương. Đứng vị trí thứ 4 là Cần Thơ với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,02%, xếp thứ 43/63 địa phương.
"Tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương", - Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của thành phố) tăng 2,07% đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung, trong đó có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm gồm có vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội); khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60%, làm giảm 0,91 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,06%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm.
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cũng cho biết, trong quý 1/2023 kinh tế TP.HCM tăng thấp. Cụ thể, quý 1, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn thành phố ước đạt 360.622,1 tỷ đồng tính theo giá hiện hành. Tính theo giá so sánh năm 2010 đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,70% so với cùng kỳ 2022.
"Trong mức tăng trưởng chung 0,70% của nền kinh tế, khu vực nông lâm thuỷ sản đóng góp 0,01 điểm phần trăm (tương đương 1,4%); khu vực công nghiệp và xây dựng làm giảm 0,79 điểm phần trăm; khu vực thương mại dịch vụ đóng góp 1,33 điểm phần trăm; thuế sản phẩm đóng góp 0,15 điểm phần trăm", - Cục Thống kê TP.HCM cho hay.
Nguyên nhân vì sao kinh tế tăng trưởng thấp, Cục Thống kê TP.HCM cho rằng, do kinh tế thành phố phải đương đầu với những khó khăn nhiều hơn thuận lợi khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu trong khi xung đột quân sự Nga - Ukraina tiếp tục leo thang, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng khiến tâm lý doanh nghiệp và niềm tin người tiêu dùng được cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm trở lại, song trong ngắn hạn sự cải thiện này vẫn còn mong manh. Trong nước, bên cạnh các chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, giãn thuế của các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu.
Rất đáng lo
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính – ngân hàng nhận định, đây là mức tăng trưởng rất thấp và gần như không đáng kể.
"Đối với một nền kinh tế đầu tàu của cả nước, mức tăng trưởng này rất đáng lo ngại", - ông Hiếu khẳng định trong cuộc trao đổi với Zing và lưu ý, năm 2022 là năm tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của đại dịch, mà năm nay tăng trưởng không đáng kể so với 2022 thì nghĩa là TP.HCM đang trong tình trạng trì trệ.
Xét bức tranh chung của cả nước, ông Hiếu cho rằng, TP.HCM với sức nặng của mình cũng không nằm ngoái khó khăn chung của nền kinh tế khi quý I, GDP Việt Nam chỉ tăng 3,32%.
Vụ Vạn Thịnh Phát phần nào ảnh hưởng đến kinh tế TP.HCM
Trong khi TP.HCM tăng trưởng rất thấp thì vẫn cò những tỉnh thành có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng GDP cả nước như Hậu Giang, Bình Thuận và Hải Phòng lần lượt 12,67%; 9,86% và 9,65%. Hay cả các thành phố trực thuộc trung ương còn lại gồm Đà Nẵng, Hà Nội và Cần Thơ cũng ghi nhận GRDP tăng 4,02-7,12%.
Đối với bức tranh đối nghịch này, chuyên gia gói gọn trong nhận định “thuyền to thì sóng lớn”. Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của TP.HCM. Đó là sự chững lại của thị trường bất động sản và sự đóng băng của thị trường tài chính.
"Thậm chí vụ đại án liên quan đến Vạn Thịnh Phát cũng phần nào ảnh hưởng đến kinh tế thành phố", - ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Cần nhìn vào thực tế rằng, hơn 65% GRDP của TP.HCM được đóng góp lớn bởi khu vực dịch vụ. Nhưng có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm trong quý đầu năm, trong đó nặng nề nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm đến 16,2%. Điều này khiến giá trị gia tăng dịch vụ trong quý I của TP.HCM chỉ đạt 2,07%, bị 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại bỏ rất xa.
Cùng chung góc nhìn, PGS, TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, bày tỏ với Tiền Phong, nhận xét, GRDP của TP.HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Quả thực đáng lo ngại với một khu vực kinh tế lớn nhất cả nước như TP.HCM, mức tăng này cũng là rất thấp", - ông Phạm Thế Anh lưu ý.
Nguyên nhân TP.HCM đang đi lùi về kinh tế, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, TP.HCM cũng không nằm ngoài khó khăn chung của cả nước cũng như xu thế thế giới.
"Sự trì trệ của TPHCM đến từ sự đóng băng của thị trường bất động sản. TP.HCM với số lượng dân cư đông đúc, nhu cầu mua bất động sản lớn, thị trường bất động sản phát triển rất mạnh trước đó. Do vậy, cũng dễ lý giải khi thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản kém, khó khăn bủa vây về vốn, về trái phiếu doanh nghiệp cùng những ách tắc về pháp lý đã tác động đến tăng trưởng thành phố sầm uất bậc nhất cả nước", - chuyên gia nhận định.
Kinh tế thế giới khó khăn, ngân hàng trung ương các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế chi tiêu của người dân. Khi cầu thế giới suy giảm, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm theo. Kết quả, quý I/2023 kim ngạch xuất khẩu âm 11,9%. Các lĩnh vực như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử máy vi tính… đều sa sút. Trong khi đó, xuất khẩu bấy lâu nay chủ yếu đến từ khu vực FDI.
"TP.HCM là nơi có nhiều doanh nghiệp FDI đương nhiên khó tránh chịu tác động nặng nề", - ông Phạm Thế Anh nhận định.
TP.HCM cần làm gì?
TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất TP.HCM nên tìm đến động lực tăng trưởng từ khối sản xuất, với "xương sống" là các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo ông Hiếu, thành phố vẫn cần nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và tài chính, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng và xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
"Đến quý II, TP.HCM nếu có phát triển thì vẫn rất trì trệ, có thể tăng trưởng GRDP lên đến 1-2% đã là mức cao. Với những gì đang diễn ra, tôi không có dự báo lạc quan lắm cho TP.HCM", - chuyên gia thẳng thắn.
Ngoài ra, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu vấn đề đầu tư công được coi là vốn mồi cho nền kinh tế nhưng quá trình giải ngân cũng rất chậm tại TP.HCM.
Ngày 1/4 tới đây UBND TP.HCM sẽ tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II. Theo chuyên gia, muốn phục hồi những thị trường quan trong như bất động sản, tài chính, trái phiếu doanh nghiệp thì cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ từ phía Trung ương.
"Nếu Chính phủ có những chính sách hiệu quả, TP.HCM sẽ là nơi được hưởng lợi đầu tiên", - TS. Nguyễn Trí Hiếu tin tưởng.