Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế Việt Nam có độ mở cao, sức chống chịu có hạn

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 3/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 3/2023.
Sputnik
Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư. Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị nhằm nhìn lại tình hình triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội,… trọng tâm là thảo luận tình hình KTXH tháng 3 và 3 tháng năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, chúng ta đã kết thúc quý I, bước vào quý II của năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh hậu quả của đại dịch COVID-19 chưa khắc phục được hết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm. Lạm phát tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Rõ ràng quan điểm làm cao tốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Cầu giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam. Giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định. Bên cạnh đó, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, biến đổi khí hậu… ngày càng khó lường.
Trong nước, quy mô nền kinh tế khiêm tốn nhưng có độ mở cao, sức chống chịu có hạn. Vì vậy, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn đến bên trong. Nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, như đã được nhận định tại nhiều hội nghị, cuộc họp.
Mặc dù vậy, các mục tiêu lớn cơ bản đạt được. Bao gồm việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Liên Hiệp Quốc vừa công bố xếp hạng "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm thu đủ chi, thu NSNN đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ; Xuất đủ nhập, xuất siêu 4,07 tỷ USD; Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn gạo; An ninh năng lượng được bảo đảm; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Lạm phát được kiểm soát; Giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ; Thị trường tiền tệ được điều hành phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động, thời thời; lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, du lịch phục hồi nhanh;
Xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia; Đời sống người dân tiếp tục cải thiện, 93,4% hộ gia đình đánh giá có thu nhập trong quý I không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2022. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi; Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vừng; đối ngoại được đẩy mạnh; thông tin truyền thông được tăng cường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham gia thảo luận về giải pháp bảo tồn sông Mekong tại Lào
Tại buổi họp, Thủ tướng cũng chỉ ra thách thức còn nhiều trong thời gian tới. Đó là sự hồi phục của doanh nghiệp sau COVID-19 còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai.
Thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp. Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Việc khắc phục tình trạng cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn.
Việc giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính, kỷ cương cần được tăng cường hơn nữa. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu cần bàn thảo các giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thảo luận