Vì sao bất động sản Việt Nam 2023 vẫn “hút” giới đầu tư ngoại siêu giàu?

HÀ NỘI (Sputnik) – Trong khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước đang chật vật đáo hạn trái phiếu, trả lãi ngân hàng, tìm cách duy trì hoạt động thì hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài âm thầm đi thâu tóm quỹ đất. Lợi thế chuyển dần sang cho các chủ đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ hơn.
Sputnik

BĐS Việt Nam vẫn tiềm năng

Được biết, đầu tháng 2 năm nay, một nhà đầu tư đến từ Singapore, Keppel Land đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Khang Điền để hợp tác phát triển các dự án khu dân cư cũng như phát triển đô thị bền vững tại TPHCM. Đại diện Keppel Land đánh giá, Việt Nam là một thị trường trọng điểm mà họ nhận thấy có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Theo báo cáo khảo sát của nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, do Công ty tư vấn BĐS CBRE công bố vào tháng 1/2023 cho thấy, TPHCM và Hà Nội lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư xuyên biên giới. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản...
Vốn ngoại tăng mạnh vào lĩnh vực BĐS cho thấy nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành BĐS nói riêng. Nhà đầu tư ưu tiên BĐS do tính ổn định, thu hút được nguồn vốn lớn so với các ngành khác.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cố gắng hỗ trợ nền kinh tế đang suy thoái
Trao đổi với Sputnik về sức hút của BĐS trong nước, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, BĐS Việt Nam còn khoảng trống ở một số phân khúc nên việc thu hút FDI vẫn có nhiều cơ hội. Chuỗi cung ứng bền vững sẽ là chìa khóa cho sức mạnh kinh tế của Việt Nam và tăng sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam là một mảnh đất có an ninh, chính trị - trật tự xã hội rất ổn định và an toàn. Vì thế nhà đầu tư nước ngoài rất yên tâm khi đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam là mảnh đất có vị thế địa lý tốt, từ cảnh quan đến môi trường, đặc biệt tại các khu đô thị mới, đáp ứng yêu cầy về du lịch, nhu cầu nghỉ dưỡng. Giá nhà Việt Nam tương đối cao so với thu nhập bình quân đầu người. Nhưng nếu so với thu nhập và giá mặt bằng bất động sản tại nhiều quốc gia như Singapore, Hongkong, Thâm Quyến,... vẫn thấp hơn rất nhiều. Điều này khiến thị trường BĐS Việt Nam trong nhiều năm qua thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế”.
Cụ thể, trong báo cáo The Wealth Report 2023 vừa công bố, công ty Knight Frank đã tính toán với một triệu USD có thể mua được đến 162 m2 bất động sản hạng sang tại TP Hồ Chí Minh so với 35 m2 tại Singapore.

Khơi thông pháp lý

Trong bối cảnh khó khăn của thị trường BĐS, dòng vốn ngoại giúp thị trường giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn nội tại của thị trường nội địa. Việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc tín dụng ngân hàng của DN BĐS. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đóng góp cho thị trường những kinh nghiệm sâu rộng, thúc đẩy cải cách và phát triển ở tất cả lĩnh vực và phân khúc.
Chính phủ quyết định cứu thị trường bất động sản
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu sớm tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý sẽ giúp thị trường thu hút mạnh dòng vốn FDI.
“Đối với nhà đầu tư nước ngoài, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư, vì các cơ chế chính sách và yêu cầu khuyến khích thu hút nhà đầu tư nước ngoài đang tương đối thông thoáng so với các quốc gia khác”, ông Thịnh chia sẻ.
Song cũng cần sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp, các chính sách phải có tính ổn định, lâu dài. Đồng thời, mỗi địa phương cần có chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.
Dự kiến trong 2023, với sự quan tâm sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương..., những vướng mắc về pháp lý liên quan tới BĐS dần được tháo gỡ, sẽ thúc đẩy hơn nữa các dòng vốn, trong đó có vốn FDI tiếp tục chảy vào BĐS.
Thảo luận