"Trùm buôn lậu xăng dầu" nhắc tên Thiếu tướng Vũ Hồng Văn

Liên quan đến vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam, bị cáo Đào Ngọc Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng cho biết, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn là người đã khuyên "ông trùm" buôn lậu này ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Sputnik
Sáng 5/4/2023, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam đối với 74 bị cáo bị truy tố về tội "Buôn lậu" và "Nhận hối lộ" do Đào Ngọc Viễn (54 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng cùng đồng phạm thực hiện.
Phiên tòa được mở nhằm xem xét kháng cáo của 25 bị cáo và kháng nghị tăng hình phạt đối với 28 bị cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TPHCM. Tại phiên toà, VKSND cấp cao tại TP.HCM đã rút kháng nghị đối với 15 bị cáo trong số 28 bị cáo bị kháng nghị phúc thẩm.

Rút kháng nghị đối với 15 bị cáo

Theo tạp chí Toà án dẫn quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, do thời gian gấp rút, việc nghiên cứu, ban hành kháng nghị phúc thẩm trên cơ sở nội dung của bản án sơ thẩm, không có hồ sơ, tài liệu chứng cứ nào khác.
Sau khi thụ lý hồ sơ phúc thẩm, nhận thấy trong số 28 bị cáo bị kháng nghị phúc thẩm có một số trường hợp mức án sơ thẩm tuyên phạt là tương xứng với vị trí, vai trò và mức độ tham gia giúp sức, nhất là nhóm các bị cáo bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính và nhóm các bị cáo là người mua lại xăng để bán lẻ ra thị trường, là những người giúp sức với vai trò thứ yếu.
Mặt khác, các bị cáo có đơn xin cứu xét, kèm theo tài liệu, chứng cứ là tình tiết giảm nhẹ mới về nhân thân nên Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp cao tại TP.HCM đã quyết định rút kháng nghị đối với 15 bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Bình, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Trần Văn Du, Phạm Đức, Nguyễn Minh, Nguyễn Thị Như Mỹ, Lê Hùng Phong, Cao Thị Ngọc Thúy, Lương Đình Tiến, Bùi Ngọc Toàn, Trần Thị Cẩm Vân, Trần Huy Lập, Nguyễn Thăng Long, Phan Lê Hoàng Anh.
Cũng tại phiên toà, bị cáo Phạm Đức và Nguyễn Thăng Long có đơn xin rút kháng cáo nên HĐXX quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm với các bị cáo này. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử nếu cần thiết làm rõ nội dung vụ án thì các bị cáo này vẫn sẽ bị triệu tập ra tòa.
Như vậy, tính đến nay còn 13 bị cáo bị Viện kiểm sát kháng nghị và 25 bị cáo kháng cáo.
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Hữu, người cầm đầu đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam 16 năm tù; Đào Ngọc Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, người chịu trách nhiệm vận chuyển xăng lậu từ Singapore về Việt Nam 17 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, người phân phối phần lớn xăng lậu cho Phan Thanh Hữu, chịu mức án 15 năm tù; bị cáo Trần Ngọc Thanh lĩnh mức án 6 năm tù; bị cáo Lê Thanh Trung bị tuyên phạt mức án 13 năm tù; bị cáo Trần Thị Thanh Vân bị tuyên mức án 9 năm tù; bị cáo Lê Thanh Tú bị tuyên mức án 5 năm tù.
Bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan bị tuyên án mức án 15 năm tù về tội nhận hối lộ. Đây là bị cáo duy nhất bị xét xử về hành vi nhận hối lộ, 73 bị cáo còn lại bị xét xử về hành vi buôn lậu.
Các bị cáo khác chịu nhiều mức án khác nhau, trong đó có 3 bị cáo được hưởng án treo, nhiều bị cáo bị tuyên phạt mức án bằng thời gian tạm giam, một số bị cáo chỉ bị phạt tiền.
Sau phiên xét xử sơ thẩm có 26 trong 74 bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị xem xét lại về phần dân sự.
Cùng với đó, cấp phúc thẩm còn xem xét kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa xử theo hướng tăng mức án đối với 28 bị cáo, đây là những bị cáo được tòa sơ thẩm phạt tiền, cho hưởng án treo.
Kháng nghị nêu rõ, tất cả 28 bị cáo đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 Điều 188 BLHS có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù và đều có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhưng án sơ thẩm xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất khung hình phạt, hoặc được cho hưởng án treo, hoặc áp dụng hình phạt chính là phạt tiền là không đúng quy định của pháp luật, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Lập tổ công tác chống buôn lậu qua đường hàng không sau vụ tiếp viên xách ma tuý về nước

Vụ án buôn lậu xăng dầu

Theo cáo trạng vụ án, các bị cáo đóng vai trò chủ mưu gồm Phan Thanh Hữu (Giám đốc công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Nguyễn Hữu Tứ (Chủ DNTN Sơn Huỳnh) đã tổ chức vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng gần 198 triệu lít xăng lậu trị giá gần 2.800 tỷ đồng từ Singapore về Việt Nam để tiêu thụ, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài ra bị cáo Ngô Văn Thụy (cán bộ chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan) bị cáo buộc đã nhận hối lộ của Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh và Phan Thanh Hữu số tiền hơn 830 triệu đồng để bỏ qua hành vi phạm tội của các đối tượng có sai phạm.
Để thực hiện hành vi buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam, bị cáo Phan Thanh Hữu cùng các đồng phạm đã bàn bạc, lên kế hoạch chặt chẽ, có sự phân công, phối hợp nhiều khâu, nhiều đối tượng tham gia, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp để tổ chức hệ thống mạng lưới vận chuyển, tiêu thụ và thanh toán tiền mua bán xăng nhập lậu với quy mô đặc biệt lớn.
HĐXX đánh giá, hành vi buôn lậu xăng của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội bởi đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, rối loạn thị trường.
Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam

Thiếu tướng Vũ Hồng Văn khuyên đầu thú?

Ngày 6/2/2021, Công an Đồng Nai phối hợp Cục cảnh sát Hình sự, Bộ Công an huy động hơn 500 cảnh sát chia làm nhiều mũi, bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu (tỉnh Vĩnh Long) bắt quả tang nhiều người đang pha chế, sang chiết xăng giả, từ đó lập chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả của Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn cùng đồng phạm.
Cùng thời điểm, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, bắt giữ những người liên quan ở 13 địa điểm khác tại Đồng Nai, TPHCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Sau đó, Công an Đồng Nai đã mở rộng điều tra vụ án và đề nghị truy tố 74 bị can.
Đây là chuyên án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cán bộ nên được Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Khai tại tòa ngày 5/4, bị cáo Đào Ngọc Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, thừa nhận hành vi phạm tội buôn lậu nhưng cho rằng mức án 17 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên là quá nặng. Viễn cũng không thừa nhận vai trò cầm đầu.
Đặc biệt, theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, bị cáo Viễn còn cho rằng mình có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có tình tiết đầu thú nhưng chưa được cấp sơ thẩm xem xét. Theo Đào Ngọc Viễn khai, bị cáo có ra Hà Nội gặp thiếu tướng Vũ Hồng Văn (khi đó là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, hiện là Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an) và một số cán bộ công an khác.
Tại đây, thiếu tướng Văn đã khuyên bị cáo đầu thú…Tiếp đó, đại diện VKS hỏi việc này có lập biên bản không thì bị cáo Viễn nói là không có.
HĐXX hỏi tiếp "nếu không lập biên bản, vậy cơ sở nào để bị cáo chứng minh tình tiết giảm nhẹ là đầu thú để HĐXX xem xét?" thì bị cáo Viễn tỏ ra lúng túng, không trả lời được.
Thảo luận