Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2023 có thể tăng trưởng âm.
Xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng âm
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố báo cáo vĩ mô vừa công bố hôm 11/4 cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm tốc do ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3,3% trong quý 1/2023 - mức tăng trưởng quý 1 thấp thứ hai kể từ năm 2011 (chỉ cao hơn mức tăng 3,2% của quý 1/2020).
Do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, GDP của khu vực công nghiệp & xây dựng giảm 0,4% YoY – GDP quý 1 giảm lần đầu trong hơn một thập kỷ qua. Trong khi đó, khu vực dịch vụ là là động lực tăng trưởng của nền kinh tế khi tăng 6,8%, đóng góp 95,9% vào tổng mức tăng trưởng GDP của quý 1/2023.
Chứng khoán Bản Việt cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 6,5% xuống 6% do ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế toàn cầu mạnh hơn dự kiến đối với hoạt động xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam trong quý I vừa qua.
"Chúng tôi cho rằng hoạt động xuất khẩu, sản xuất sẽ khó khăn trong quý II, trước khi phục hồi vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có thể chậm hơn so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi do diễn biến bất ổn gần đây của ngành ngân hàng tại Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP đạt 7% trong năm 2024", - nhóm phân tích lưu ý.
Theo VCSC, dự báo với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong năm 2023 được điều chỉnh giảm, lần lượt từ 6% và 6,5% xuống -2,5%, dẫn đến xuất siêu 12,2 tỷ USD (so với 11,3 tỷ USD trước đây), do nhu cầu toàn cầu giảm có thể ảnh hưởng mạnh hơn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Xuất nhập khẩu lấy lại đà tăng trưởng
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 3/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 58,03 tỷ USD, tăng 17,7% so với tháng trước.
Trong tháng 3, có 38/45 nhóm hàng xuất khẩu chính tăng trên 10% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục chưa từng có với 962.000 tấn, tăng 80%. Đặc biệt trong kỳ 2 tháng 3, xuất khẩu sắt, thép các loại chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, hơn 274 triệu USD so với tháng 1, tương ứng 131,7%.
Nguyên nhân được đánh giá là do tháng 3 có tới 31 ngày và một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang có lợi thế. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn.
Đánh giá tình hình hiện tại, Tổng cục Hải quan lưu ý, tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tháo gỡ nút thắt trong thông quan hàng hóa, Tổng cục đã đưa ra nhiều giải pháp tối ưu.
Theo đó, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố giảm thời gian thông quan, thông qua cắt giảm 10% các lô hàng phải kiểm tra luồng đỏ, 20% các lô hàng kiểm tra luồng vàng. Đồng thời, dự kiến thời gian tới, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không trong việc thực hiện hệ thống giám sát tự động hàng hóa xuất khẩu qua cảng hàng không; tự động hóa các khâu giao nhận tại cảng biển góp phần giảm chi phí logistics, thời gian thông quan.
Bên cạnh đó, ngành hải quan sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án hải quan thông minh; hướng tới mục tiêu các thủ tục được thực hiện giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
5 yếu tố hỗ trợ tăng trưởng
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nêu 5 yếu tố có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm. Thứ nhất là Chính phủ sẽ đẩy mạnh chi tiêu tài khóa để hỗ trợ kinh tế trong nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại.
Tiếp đó, kỳ vọng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục phục hồi sẽ hỗ trợ tăng trưởng của khu vực dịch vụ.
Dòng vốn FDI có khả năng duy trì ở mức cao trong cả năm 2023 nhờ các lợi thế cơ bản của Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Cuối cùng, các đợt cắt giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khả năng giúp giảm lãi suất thị trường, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
VCSC kỳ vọng trần lãi suất tiền gửi sẽ ổn định từ nay đến cuối năm. Chứng khoán Bản Việt cho rằng NHNN vẫn đang có quan điểm thận trọng nhằm hạn chế ảnh hưởng của bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và hỗ trợ tăng trưởng trong nước với việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3.
!Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tình hình ở cả thị trường quốc tế và trong nước sẽ thuận lợi hơn vào năm 2024, điều này có thể tạo thêm dư địa cho NHNN để giảm trần lãi suất tiền gửi xuống 5%", - VCSC lưu ý.
Tỷ giá ổn định
Chứng khoán Bản Việt cũng giữ nguyên dự báo tỷ giá USD/VND ổn định trong năm 2023.
Tỷ giá USD/VND giảm 1,4% trong tháng 3 (giảm 0,5% so với đầu năm) mặc dù Fed tăng lãi suất và NHNN giảm lãi suất điều hành. Tỷ giá giảm chủ yếu do đồng USD giảm mạnh tại thị trường quốc tế (chỉ số DXY giảm khoảng 2,5% trong tháng 3) và nguồn cung ổn định từ FDI (1,8 tỷ USD), xuất siêu (700 triệu USD) và FII (khối ngoại mua ròng 129 triệu USD).
Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kỳ vọng lãi suất điều hành có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 25 điểm cơ bản lên 5%- 5,25%.
Tuy nhiên, những vấn đề gần đây của ngành ngân hàng tại Mỹ có thể khiến Fed giảm lãi suất sớm hơn kỳ vọng của thị trường, theo VCSC.
"USD mất giá và khả năng Fed giảm lãi suất sớm hơn kỳ vọng, cùng với nguồn cung ngoại tệ ổn định có thể giúp NHNN điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt hơn", - nhóm phân tích nhận định.