Các ngân hàng Vietcombank, VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, trong khi đó MSB sẽ sáp nhập với một tổ chức nữa.
Tình hình kinh doanh của Vietcombank
Sáng 21/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2023, ông Phạm Quang Dũng cho biết tín dụng của Vietcombank tăng hơn 2,5%; huy động vốn tăng 3,2%, cao hơn mặt bằng chung của hệ thống.
Biên lãi ròng (NIM) cải thiện so với cuối năm ngoài, tăng khoảng 0,04 điểm %. Lợi nhuận riêng lẻ trong quý I đạt 11.050 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước và đạt 26% kết hoạch năm 2023.
Tại sự kiện hôm nay, Vietcombank đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tối thiểu là 15% so với năm trước, dự kiến đạt gần 43.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 9%; dư nợ cấp tín dụng tăng tối đa 12%; huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%. Tỷ lệ chi trả cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Định hướng cho giai đoạn 2023-2028, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản ở mức 9-10%/năm; tăng trưởng cấp tín dụng đối với nền kinh tế từ 12-14%/năm; tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tăng trưởng dư nợ cấp tín dụng khoảng từ 10-11%.
Tỷ lệ lợi nhuận sau thế trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì mức 17-18%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%. Tỷ lệ an toàn vốn ở mức 10-11%. Riêng về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, sau khi trích các quỹ và điều chỉnh khác, lợi nhuận còn lại của Vietcombank là hơn 21.680 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Vietcombank dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
NHNN thông qua phương án tăng vốn của Vietcombank
Thông tin về kế hoạch tăng vốn của Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng này đang triển khai 3 nội dung tăng vốn.
Trong đó, nội dung thứ nhất về tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành 18,1%. Ngân hàng Nhà nước ngày 19/4 vừa thông qua phương án tăng vốn của Vietcombank. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nữa, Vietcombank sẽ hoàn thành việc tăng vốn theo phương án này.
Nội dung thứ 2 là tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Nội dung thứ 3 là kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, Vietcombank đang triển khai các bước theo thủ tục và thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài. Dự kiến kế hoạch sẽ thực hiện trong năm 2023 - 2024.
Nói về việc chia cổ tức, lãnh đạo Vietcombank cho biết, trong tháng 5/2023 sẽ thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu VCB neo ở mức 87.500 đồng/cổ phiếu, giảm 0,91%.
Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém
Một nội dung khác cũng được quan tâm tại đại hội là kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Theo Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng, Vietcombank đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng và đang đợi cấp thẩm quyền (Ngân hàng Nhà nước) phê duyệt.
"Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém", - ông Dũng cho biết, ngân hàng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Vietcombank cũng đặt mục tiêu triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
"Vietcombank chưa đưa việc nhận chuyển giao vào kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm 2023", - ông Phạm Quang Dũng nhấn mạnh khi nào việc nhận được chuyển giao chính thức mới đưa vào kế hoạch.
Trả lời câu hỏi liệu đây là cơ hội hay là trách nhiệm chính trị đối với Vietcombank, ông Dũng nêu rõ, ‘đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định’.
Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank. Với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông năm 2022, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém đã được thông qua nhưng đến nay tên của tổ chức này vẫn chưa được công bố chính thức.
Vấn đề nhân sự của Vietcombank
Tại Đại hội đồng cổ đông Vietcombank hôm nay, ngân hàng này còn thông qua tờ trình về bầu thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.
Theo nội dung trình cổ đông, Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ gồm 11 thành viên; trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Tuy nhiên, trước mắt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Vietcombank mới đề xuất cổ đông thông qua việc bầu 8 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028.
Trong đó, bầu tái cử 6 thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm là ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vietcombank; các ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào, ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Hồng Quang cùng giữ vị trí Thành viên Hội đồng quản trị.
Đồng thời, bầu 1 thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài (nhân sự do Mizuho đề cử) là ông Shojiro Mizoguchi, thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm tại Vietcombank. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dừng tham gia HĐQT Vietcombank.
Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028 của Vietcombank gồm 5 người. Dù vậy tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Vietcombank sẽ trình cổ đông thông qua việc bầu tái cử 4 thành viên Ban kiểm soát đương nhiệm là ông Lại Hữu Phước, Trưởng Ban kiểm soát; bà La Thị Hồng Minh, bà Đỗ Thị Mai Hương và bà Trần Mỹ Hạnh cùng là thành viên Ban kiểm soát.
Biến động khi nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém
Trong khi đó, tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) diễn ra chiều 21/4, hội đồng quản trị MSB trình cổ đông thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự nhằm tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.
Trong tờ trình, MSB dự kiến tổ chức tín dụng sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Thực tế, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài Vietcombank, MSB, tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãnh đạo VPBank cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị VPBank thông tin, VPBank là một trong bốn ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc.
"Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. Hiện tại chúng tôi mới chỉ có thể thông tin như vậy", - ông Dũng tiết lộ sơ bộ.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phẩn sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.