Ngày 20/4, tại phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà cùng 27 bị cáo trong vụ án tại Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 và và Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo.
Cụ thể, tổng mức án từ 15- 17 năm đối với bị cáo Phạm Hồng Hà cho tội "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ".
Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đề nghị tổng mức án 30 năm tù cho cả 3 tội là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ" đối với bị cáo Phạm Văn Phả;
Bị cáo Đỗ Công Hào tổng mức án 30 năm tù cho cả 3 tội là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ"; tổng mức án từ 27-30 năm với bị cáo Ngô Thị Thu Lư do phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ";
Bị cáo Phạm Văn Chinh từ 19-21 năm cho tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Tham ô tài sản"; tổng mức án từ 17-19 năm đối với bị cáo Đoàn Duy Khánh cho tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Tham ô tài sản";
Mức án 13-14 năm đối với bị cáo Bùi Sỹ Giáp cho tội "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ".
Căn cứ theo quy định của pháp luật, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các mức án phù hợp với tội trạng của các bị cáo khác, trong đó mức thấp nhất là 36 tháng tù cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, 14 bị cáo này chiếm đoạt tài sản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam với tổng số tiền trên 17,7 tỷ đồng. Việc bớt xén được thực hiện theo 2 hình thức là: Lập khống toàn bộ hợp đồng thuê phương tiện của đơn vị khác và sử dụng hồ sơ khống để nghiệm thu, thanh toán với Cục Đường thủy Việt Nam. Bớt xén khối lượng đối với các hạng mục công việc trong hợp đồng khó kiểm tra, phát hiện việc bớt xén khi kiểm tra thực tế.
Ngoài ra, các bị cáo cũng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các chủ đầu tư khác như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TX Đông Triều trên 2,63 tỷ đồng, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh gần 1,73 tỷ đồng và Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn trên 1,5 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2017-2021, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã ký kết 18 hợp đồng với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, tổng giá trị gần 70 tỷ đồng.
Các bị cáo đã lập hồ sơ nghiệm thu khống, chiếm đoạt tài sản qua 4 hợp đồng quản lý, bảo trì trên 4,5 tỷ đồng. Đối với 4 hợp đồng đầu tư, xây lắp không bớt xén được khối lượng công việc, tổng số tiền Phạm Văn Phả (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý đường sông số 3) và các bị can thuộc Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã trích lại cho Phạm Hồng Hà, Bùi Sỹ Giáp (Trưởng phòng Kỹ thuật, Tu bổ và Tôn tạo cảnh quan, BQL Vịnh Hạ Long) và Phạm Thái Dương (nhân viên Phòng Cảnh quan BQL Vịnh Hạ Long) là 517 triệu đồng.
Sau khi trúng thầu, ký kết thực hiện hợp đồng, phía Công ty CP Quản lý đường sông số 3 cũng đã đưa lại tiền % cho ông Phạm Hồng Hà, Bùi Sỹ Giáp và Phạm Thái Dương đúng theo tỷ lệ thống nhất ban đầu.
Cụ thể, ông Phạm Hồng Hà đã 6 lần nhận tiền với tổng số 725 triệu đồng, Bùi Sỹ Giáp được nhận 7 lần với tổng số tiền là 723 triệu đồng, Phạm Thái Dương được nhận 9 lần với tổng số tiền 168,5 triệu đồng.
Viện KSND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm với xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền lợi của nhiều khách thể; làm suy yếu, mất uy tín của các cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, quản lý tài chính của nhà nước. Các bị cáo đã cấu kết hình thành lợi ích nhóm, phạm nhiều tội.
Hôm nay 21/4, các luật sư sẽ tiếp tục tranh luận và Viện KSND tỉnh Quảng Ninh sẽ đối đáp với các bị cáo và luật sư bào chữa.