Nhằm vực dậy kinh tế thành phố, Sở Công Thương đề xuất tổ chức Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TP.HCM. Hội chợ dự kiến diễn ra trong tháng 5 sắp tới, sẽ là hội chợ xuất khẩu đa ngành đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, số liệu tổng kết quý 1/2023 ghi nhận, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt 28,34 tỷ USD, giảm 18,68% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 34,85 tỷ USD).
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,31 tỷ USD, giảm 3,66 tỷ USD tương đương 19,31%; kim ngạch xuất khẩu đạt 13,02 tỷ USD, giảm 2,85 tỷ USD tương đương 17,92%.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tình trạng khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt thời gian qua là chưa từng có. Kim ngạch xuất khẩu đồng loạt sụt giảm ở hầu hết các ngành nghề, từ dệt may, nông lâm thuỷ sản cho tới chế biến gỗ.
Đại diện Sở Công Thương nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế thành phố. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự sụt giảm đơn hàng từ thị trường thế giới.
Theo ông Phương, tình trạng khó khăn có thể tiếp diễn đến giữa năm 2023. Lãnh đạo TP.HCM lo rằng, nếu để tình trạng này tiếp diễn, bức tranh kinh tế cả năm của địa phương sẽ u ám.
Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, những ngành nghề xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh gồm có: ngành dệt may giảm 8% so với cùng kỳ 2022, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm khoảng 15%. Trong đó, các sản phẩm dăm, viên nén, pallet; đồ gỗ giảm đến 45%.
Mặc dù có sự tăng trưởng ở một số sản phẩm đồ uống và thực phẩm, tính chung toàn ngành chế biến lương thực thực phẩm vẫn sụt giảm khoảng 2% doanh số trong quý vừa qua.
Các chuyên gia cho biết, trong quý tiếp theo, xuất khẩu ngành này có thể giảm khoảng 4% do sức mua toàn cầu yếu.
Tương tự, ngành cơ khí điện ghi nhận tình trạng đơn hàng giảm, có doanh nghiệp giảm đến 50%, đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm 30-40%. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để ứng phó, các doanh nghiệp này buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí sản xuất hòng tồn tại.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, có khoảng 40% doanh nghiệp đang trong tình trạng không hoạt động được. Nhiều khả năng, đến cuối năm 2023, sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.
TP.HCM tổ chức hội chợ xuất khẩu đa ngành lớn nhất Việt Nam
Thời gian qua, các ban ngành địa phương đã liên tục tính đến các phương án để đưa TP.HCM trở lại vị trí dẫn đầu. Trong đó, việc tổ chức hội chợ xuất khẩu đa ngành được xem là phương án tối ưu mà Sở Công Thương TP.HCM đề xuất. Sáng kiến này đã được UBND TP.HCM chấp thuận.
Hội chợ dự kiến diễn ra trong tháng 5 sắp tới, sẽ là hội chợ xuất khẩu đa ngành đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Nhà nước sẽ cùng các hiệp hội ngành nghề đồng tổ chức các diễn đàn, chuyến tham quan nhà máy, kết nối xúc tiến thương mại giữa nhà bán hàng lớn trên thế giới với doanh nghiệp Việt Nam.
Sự kiện sẽ có sự tham gia của hơn 250 gian hàng từ các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố như nông sản; dệt may, da giày, túi xách; đồ gỗ, mỹ nghệ; thực phẩm, đồ uống; thủy hải sản; điện tử, cơ khí, cao su - nhựa; các nhóm ngành xuất khẩu khác và dịch vụ hỗ trợ.
Đặc biệt, để giúp đỡ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, ngân ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến 50% chi phí tham gia gian hàng, tương ứng 12 triệu đồng/gian hàng/doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ sự kiện, mỗi ngày các doanh nghiệp sẽ trực tiếp trao đổi, lắng nghe nhu cầu từ đại diện các phái đoàn thuộc thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ước tính, hội chợ sẽ thu hút khoảng 8.000 lượt khách tham quan, bao gồm các đơn vị mua hàng quốc tế từ hàng loạt quốc gia, hệ thống siêu thị, nhập khẩu và bán lẻ, các sàn thương mại điện tử. Đối với các đoàn mua hàng quốc tế, TP.HCM sẽ hỗ trợ vé máy bay, khách sạn, phương tiện đi lại tại Việt Nam xuyên suốt lịch trình.
Đây còn là lần đầu tiên một hội chợ xuất khẩu chính thức mở cửa cho khách tiêu dùng nội địa tham quan và mua sắm, nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp đánh giá tiềm năng, thị hiếu nội địa, xem xét chiến lược phù hợp với thị trường trong nước, dựa trên thế mạnh sẵn có.