Chúng tôi đã kể về bá tước Nga Konstantin Vyazemsky từng du hành xuyên đất Việt vào năm 1892. Trong số những người Nga đến thăm Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, cho đến khi nhóm quay phim Nga do đạo diễn Roman Karmen đứng đầu đến Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bá tước Vyazemsky là người Nga thực hiện chuyến du lịch dài nhất kéo dài bốn tháng từ Lạng Sơn vào Sài Gòn. Hành trình của hầu hết những người Nga khác đến Việt Nam vào thời điểm đó chỉ giới hạn ở Sài Gòn và Chợ Lớn.
Trong số đó có giáo sư Alekseev, người Nga ghé thăm Sài Gòn chỉ có hai ngày vào năm 1894. Ký sự về Sài Gòn của giáo sư Alekseev đã được công bố trên tạp chí “Văn học, Chính trị và Khoa học” ngay sau khi ông trở về St. Petersburg. Tác giả của các ghi chú đã thực hiện một chuyến du lịch đường biển từ Vladivostok đến Odessa, qua các quốc gia Châu Á, Châu Phi và Châu Âu, cùng với một nhóm người Nga. Con tàu của họ đã cập cảng Sài Gòn vào ngày 30 tháng 11 năm 1894.
Vị giáo sư rất ngạc nhiên khi thấy ở cảng Sài Gòn có cầu bắc lên bờ giúp hành khách lên xuống, mà không cần dùng đến thuyền như ở Hồng Kông và các cảng khác mà họ đã đến trước đó. Tất cả hành khách đội mũ bảo hiểm và cầm ô, đồng thời đơn giản hóa trang phục của họ càng nhiều càng tốt. Nhưng cho dù chúng tôi ăn mặc giản dị đến đâu, - giáo sư lưu ý, - chúng tôi vẫn không thể cảm thấy thoải mái như người Việt trong bộ quần áo của họ.
Giáo sư Alekseev mô tả bờ sông Sài Gòn với những túp lều lợp bằng lá cọ và chính những cây cọ. Khi nhìn thấy những cây cọ này, Alekseev lưu ý, “tôi không khỏi kinh ngạc”. Nói chung, ông gọi thảm thực vật địa phương là "có mặt khắp nơi". Không có chỗ trống nào trên mảnh đất này, không có mảnh đất nào mà thứ gì đó không phát triển ở đó. Giáo sư mô tả một cách đầy màu sắc nhiều loại cây khác nhau, những thân cây đan xen vào nhau dường như siết chặt lấy nhau; rễ cây treo trên không khi chạm đất biến thành thân cây mới; lá cây có hình dạng và màu sắc khác nhau, nhiều loại hoa.
Sự ngưỡng mộ của giáo sư là điều dễ hiểu - ở Nga không có những cảnh như vậy, và khi đó chưa có truyền hình và Internet dễ dàng đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào trên hành tinh. Vị giáo sư mô tả những người Việt Nam nhanh chóng lướt dọc sông trên những chiếc thuyền làm từ gốc thân cây hoặc từ những tấm ván buộc bằng dây dừa.
Sài Gòn - thành phố của sự tương phản
Có thể đặt những ấn tượng về Sài Gòn của học giả Nga dưới khái niệm phổ biến thời Xô Viết — "thành phố của sự tương phản".
Khác với Thượng Hải và Hồng Kông, hai thành phố mà Alekseev đã đến thăm, Sài Gòn với những tòa nhà nằm rải rác và nhiều cây xanh rất giống khu nhà mùa hè. Đồng thời, giáo sư viết, Sài Gòn giống như một trại quân sự: bởi vì thành phố này là nơi cư trú quân nhân Pháp, đây là kho quân nhu chính của cả Nam Kỳ. Những tàu chiến cập cảng Sài Gòn, các kho vũ khí, nhiều binh lính hải quân và bộ binh trên đường phố, trong quán cà phê và những nơi công cộng khác mang đến cho thành phố một diện mạo doanh trại.
Du khách người Nga cũng lưu ý đến sự vắng mặt của thương mại và công nghiệp. Theo ý kiến của ông, điều này càng làm tăng thêm vẻ giống với một trại quân sự. Ông so sánh tình hình ở Sài Gòn với những gì ông đã thấy gần đây ở Hồng Kông và các thuộc địa khác của Anh: ở đó, ngay cả khi các đơn vị quân đội tập trung đông đảo, các thương gia vẫn đóng vai trò chính. Còn ở Sài Gòn buôn bán ế ẩm. Và mặt hàng xuất khẩu duy nhất của Sài Gòn là lòng đỏ trứng gà được vận chuyển trong thùng sang Pháp, nơi nó được sử dụng để xử lý da cho găng tay.
Tòa bưu điện với nội thất tráng lệ gây ấn tượng lớn nhất đối với du khách Nga. Giáo sư Alekseev thừa nhận, ông chưa gặp công trình nào ấn tượng như vậy ở New York, London hay Paris. Ghi nhận các công trình tòa hòa giải, nhà hát, nhưng giáo sư Alekseev lưu ý thành phố chưa sở hữu khu chợ mái che cần thiết với nơi có khí hậu nóng nực. Có trạm Pasteur và phòng nghiên cứu vi khuẩn, nhưng thiếu bệnh viện tư nhân và chăm sóc y tế. Chính quyền Pháp duy trì vũ trường, đoàn nghệ thuật, dàn nhạc giao hưởng, đồng thời không có kho tàng, đường vào thành phố. Ở Sài Gòn thiếu nguồn dẫn nước phù hợp và khí đăng, không có đèn đường bằng khí đốt.
Quả là những quan sát thú vị? Không chỉ các bạn đọc Việt Nam mà ngay cả người nước ngoài ghé thành phố Hồ Chí Minh dù chỉ vài giờ đồng hồ sẽ không thể nhận ra theo mô tả của giáo sư Nga một thành phố hiện đại - trung tâm thương mại, công nghiệp và văn hóa lớn không chỉ đối với Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Tuy nhiên, một trăm ba mươi năm trước, thành phố là như thế này, và đây là cách độc giả Nga thời đó tưởng tượng về Sài Gòn qua ghi chép của những người đồng hương đến thăm Việt Nam.
Vị khách người Nga được chứng kiến một cảnh quan rất khác của Chợ Lớn.
"Ở thành phố này, - ông viết, - những người lao động đủ mọi ngành nghề cặm cụi làm việc, kinh doanh và nghề thủ công phát đạt, không ế ẩm".
Tuy nhiên, theo quan sát của ông Alekseev, mặc dù người Việt là chủ nhân đất nước nhưng ở Chợ Lớn họ "nằm trong tay những người Hoa tồn tại ở khắp nơi".
Tấm danh thiếp của Sài Gòn - Thảo Cầm Viên
Tất nhiên, giáo sư Alekseev không thể bỏ qua trong ghi chép du hành về Vườn bách thảo, đồng thời cũng là nơi sưu tầm động vật. Chúng tôi nói "tất nhiên" vì hầu như những du khách Nga có mặt ở Sài Gòn hơn một ngày đều nhắc đến khu vườn. Ông Alekseev ngạc nhiên khi thấy những con thú hiếm trong các chuồng thú chắc chắn. Voi tự do đi lại trong vườn.
Những con gấu đen sống dưới hố đất sâu có hang, đài phun nước và đường ngầm. Theo du khách người Nga, đầy đủ nhất, trang nhã và phong phú nhất là chuồng chim. Giáo sư Alekseev nhớ lại vườn bách thú ở thành phố Amsterdam của Hà Lan, nơi nổi tiếng với các bộ sưu tập chim, và lưu ý rằng, vườn bách thú Amsterdam rõ ràng thua kém vườn Sài Gòn về các bộ sưu tập.
“Mọi thứ trong vườn Sài Gòn đều là quần thể, bầy đàn, cả dãy phố trải dài được bố trí sao cho công chúng có thể nhìn thấy những con thú hiếm từ bất kỳ hướng nào”.
Tuy nhiên, ông ấn tượng nhất với thực vật trong vườn.
“Không chỉ vì khí hậu, - ông viết, - mà là nghệ thuật của người đã tạo ra những góc vườn tuyệt vời, hài hòa giữa thế giới thực vật và động vật”.
Ngoài vẻ đẹp tự nhiên của khu vườn Sài Gòn, ông Alekseev cũng lưu ý đến sự sạch sẽ mẫu mực và sự dọn dẹp kỹ lưỡng.
“Những gì tôi đã nhìn thấy sau đó trên con đường của mình - những khu vườn ở Singapore và Ceylon - kém xa khu vườn ở Sài Gòn” - du khách người Nga chia sẻ ấn tượng của mình về Sài Gòn với nhiều độc giả Nga vào cuối thế kỷ 19.