Thế giới đang thiếu gạo nghiêm trọng
Tổ chức Fitch Solutions thuộc Tập đoàn Fitch đưa dự báo, trong năm 2023, thị trường gạo toàn cầu sẽ ở mức thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 2 thập kỷ qua.
Theo Fitch Solutions, sự thiếu hụt khủng khiếp này với một trong những loại ngũ cốc được canh tác nhiều nhất thế giới được dự báo sẽ ảnh hưởng tới các nước nhập khẩu gạo lớn.
Trên phạm vi toàn cầu, tác động rõ rệt nhất của tình trạng này là giá gạo đã và vẫn đang ở mức cao nhất trong 1 thập kỷ, thậm chí sẽ vẫn neo quanh mức cao hiện tại cho tới năm 2024. Fitch Solution cũng cho biết, ước tính trong năm 2023, cả thế giới sẽ thiếu khoảng 8,7 triệu tấn gạo.
Về nguồn cung lúa gạo toàn cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo mới nhất của mình cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 đạt mức 503,96 triệu tấn, giảm gần 11,4 triệu tấn, tương đương gần 2%.
Trong khi đó, sản lượng gạo tại các nước xuất khẩu lớn đều ghi nhận mức sụt giảm đáng kể. Cụ thể, Ấn Độ giảm từ 130,29 triệu tấn xuống còn 124 triệu tấn; Pakistan giảm từ 9,1 triệu tấn xuống còn 6,6 triệu tấn. So với niên vụ 2021-2022, sản lượng được dự báo này là thấp nhất trong 4 năm gần đây.
Việt Nam hưởng lợi
Tình hình thiếu gạo trên toàn cầu đã và đang tác động theo hướng có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex - cho biết, trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, thủy sản, da giày và gỗ đang sụt giảm nghiêm trọng thì lúa gạo vẫn là điểm sáng của xuất khẩu quý I/2023.
Theo đó, dù giảm 19,3% về khối lượng, xuất khẩu gạo đã tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Và khi thế giới đang tiếp tục có nhu cầu cao về an ninh lương thực như lúc này, giá gạo được dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Trên thực tế, khi kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 495 - 500 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2021, tăng từ mức 465 - 470 USD chỉ cách đây 1 tuần.
Khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua lúa gạo đang ở mức cao do nguồn cung xuống thấp. Theo đó, tại Hậu Giang, giá lúa IR 50404 thu mua phổ biến 7.300 đồng/kg, OM 18 là 7.900 đồng/kg, RVT là 8.400 đồng/kg; tại Cần Thơ giá lúa OM 4218 tăng 100 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg so với tuần trước, trong khi đó loại khác vẫn giữ ở mức cao như IR 50404 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg…
“Từ tháng 3/2023 giá lúa gạo bắt đầu tăng lên cao, vượt đỉnh của năm 2022 và với giá này bà con nông dân rất có lợi”, ông Bạch Ngọc Văn – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) – nhận định với báo Công Thương.
Thương nhân tăng mua, giá gạo sẽ còn tăng
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho rằng trong năm 2023, Việt Nam sẽ còn 2 đợt tăng giá gạo (vào tháng 5 và tháng 10 - 11), do nhu cầu nhập khẩu cao.
Theo ông, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua gạo trong tháng 4/2023. Lý do là vì cao điểm thu hoạch rộ vụ Đông Xuân đã qua, lúa hàng hóa không còn nhiều, giá lúa gạo sẽ tăng lên. Vì vậy, các nhà nhập khẩu gạo sẽ tranh thủ mua vào.
Thêm vào đó, vụ Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm cho chất lượng gạo tốt nhất, các công ty kinh doanh gạo nội địa cũng tranh thủ mua vào giữ hàng trong kho bán dần đến vụ Hè Thu, thậm chí bán đến vụ Thu Đông.
Hồi đầu năm 2023, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lượng tồn kho rất thấp, thậm chí có nơi gần như hết tồn kho. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 107, mỗi doanh nghiệp phải giữ trong kho lượng gạo tương đương 5%/ tổng lượng gạo xuất khẩu.
Về việc thu mua lúa gạo, ông Bạch Ngọc Văn cho hay, Vinafood 2 là đơn vị đầu mối, đầu tàu trong ngành, do đó công ty luôn chủ trương tiếp tục thu mua lúa cho bà con nông dân.
Đến nay, Vinafood 2 đã thu mua khoảng 400.000 tấn gạo (tương đương 800.000 tấn lúa quy đổi) với giá thị trường.
“Chủ trương của Vinafood 2 là đảm bảo tiêu thụ hết lúa cho bà con nông dân với giá cao”, ông Văn nói.
Người trong ngành nói gì?
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết lúa Đông Xuân chất lượng tốt nhất nên có nhiều khách Trung Quốc, Philippines sang miền Tây để mua gạo, đẩy giá lúa tăng.
Tuy rằng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng gom hàng, tuy nhiên vấn đề khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng góp phần tác động lên quyết định bán của họ.
Theo đó, với doanh nghiệp có hệ thống kho tàng không đảm bảo trữ lâu dẫn đến chất lượng gạo xuống cấp, thêm vào việc vay tiền tương đối khó, thời gian vay ngắn và áp lực trả nợ ngân hàng khi đến hạn sẽ khiến họ không thể giữ hàng lâu chờ giá.
Ở chiều ngược lại, đối với các doanh nghiệp có hệ thống kho chứa bảo đảm, tiềm lực kinh tế mạnh, thì một khi khi hàng đã vào kho, họ sẽ chờ thị trường định hình rồi mới bung hàng.
Về phần mình, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng cần tăng hạn mức tín dụng hoặc cho doanh nghiệp vay tín chấp.
Theo ông Nam, thị trường đang ở thế thuận lợi nên các doanh nghiệp muốn tận dụng thời cơ, tranh thủ thu mua lúa cho người dân. Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều doanh nghiệp muốn làm nhưng lại không đủ tiềm lực về tài chính.
“Từ đó, chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét và sớm đề xuất với các ngân hàng thương mại về khả năng cho vay không tài sản bảo đảm, áp dụng trong khoảng thời gian cao điểm thu hoạch mùa vụ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ tín dụng dành cho doanh nghiệp kinh doanh gạo”, ông Nam góp ý.