Việt Nam lao đao vì thiếu đơn hàng nhưng Bangladesh 'làm không kịp nghỉ'

Xuất nhập khẩu của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm trước, ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn khối FDI. Đặc biệt, xuất khẩu sang các khu vực, thị trường đều sụt giảm, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường châu Mỹ, châu Âu. Đơn hàng thiếu nghiêm trọng.
Sputnik
Theo một chuyên gia trong ngành dệt may, tình hình dệt may hiện nay còn xấu hơn cả kịch bản xấu nhất mà các doanh nghiệp đưa ra hồi đầu năm 2023.
Đáng lo ngại, khi mà dệt may Việt Nam đang thiếu đơn hàng nghiêm trọng thì Bangladesh lại "làm không kịp nghỉ".

Việt Nam thiếu đơn hàng nghiêm trọng

Ngày 25/4, tại TP.HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng tình hình khó khăn trong hoạt động xuất khẩu hiện tương đương với thời kỳ khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19.
Theo đó, nhiều đơn hàng đã được ký kết nhưng khách chưa nhập vì tồn kho còn cao, dẫn đến tình trạng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất đang rất lớn.
Ông Nam lưu ý, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất.
“Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh”, - đại diện VASEP cho biết.
Kinh tế Việt Nam thăng hạng trên bản đồ thế giới: “Con rồng” trỗi dậy
Đáng chú ý, cũng là ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm song dệt may đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU.
Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) Diệp Thành Kiệt nhận định, trên quy mô toàn cầu, do đơn hàng ít nên chủ yếu về tay những nước có sức cạnh tranh về chi phí sản xuất tốt hơn Việt Nam, như Indonesia hay Bangladesh.
Theo ông Kiệt, đầu năm 2023, các doanh nghiệp từng “ngồi lại” với nhau và thảo luận các kịch bản ở nhiều mức độ khác nhau, trên cơ sở tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới.
“Vào thời điểm đó, kịch bản xấu nhất là kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2023 có thể giảm đến 10%. Với bối cảnh hiện tại, chúng tôi cho rằng kịch bản đó giờ đã trở nên xấu hơn và mức độ kim ngạch xuất khẩu phải giảm trên 10% trong năm nay. Chính vì vậy, các kế hoạch ứng phó, thích nghi phải tính đến tương lai 2024 vì mùa xuân - hè sắp tới rơi vào quý 3/2023 không còn cứu kịp", - ông Kiệt nói.

Việt Nam lao đao vì thiếu đơn hàng, Bangladesh 'làm không kịp nghỉ'

Về phần mình, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì lo rằng, trong khi Việt Nam đang thiếu đơn hàng thì Bangladesh lại "làm không kịp nghỉ".
Lý do là vì doanh nghiệp nước này chuyển đổi ngành hàng theo các tiêu chuẩn xanh, bền vững với môi trường kịp lúc nên hiện vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng từ phương Tây.
Ngoài ra, nước này còn phát triển nguyên liệu cho ngành này để tận dụng các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường nhiều tiềm năng như Úc, Canada và các sản phẩm tiềm năng như hàng quân trang quân dụng…
Thương hiệu quốc gia vượt 400 tỷ USD, Việt Nam có tiềm năng kinh tế ngang Singapore

Cần có giải pháp phát triển xanh, bền vững

Tại hội nghị, các hiệp hội ngành nghề đã đóng góp hơn 20 ý kiến, tập trung vào việc cần có chính sách tín dụng thông thoáng với lãi suất thấp để doanh nghiệp có thể tiếp cận.
Thêm vào đó, trong thời gian qua, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài, có trường hợp lên tới hơn 2 năm đã khiến cho nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.
Đại diện hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị, cần có giải pháp giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Đồng thời, cần nghiên cứu tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại để làm nền tảng cho doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, về giải pháp ngắn hạn, cần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất khẩu như lãi suất ngân hàng, chi phí logistics, hành chính...
Về dài hạn, phải xây dựng hệ sinh thái và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất khẩu đảm bảo phát triển bền vững và nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo ông, đây là những vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc gia và nhiều ngành nghề, lĩnh vực trên thị trường toàn cầu và Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Như Tùng cho hay, hiện nay khách hàng trên toàn cầu đã và đang đưa ra hàng loạt yêu cầu về phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, quản trị doanh nghiệp, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện, sản phẩm tái chế...

“Việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thiếu đơn hàng có một phần là do ngành dệt may Việt Nam chậm đầu tư cho nhà máy xanh, xử lý nước thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng... đáp ứng kịp thời sản xuất kinh doanh xanh và nền kinh tế xanh”, - ông Kiệt nói.

Dệt may Việt Nam xử lý tốt đơn hàng khó, nắm chắc vị trí thứ 3 thế giới
Trong ngắn hạn, ông Tùng nêu quan điểm, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại.
Trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương. Đồng thời, có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động.

Nếu không nỗ lực, mục tiêu của Việt Nam sẽ không đạt được

Sau khi lắng nghe các phản ảnh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, tổng cầu còn thấp.
Ngoài ra, trong nước, tác động từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và tâm lý ngại trách nhiệm của một số bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng tác động đến tình hình sản xuất và xuất khẩu.
Số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 vừa qua cho thấy thực tế là nếu không nỗ lực, Việt Nam sẽ kết thúc năm 2023 với kim ngạch chỉ ở mức 600 tỷ USD, tương đương năm 2021, không đạt mục tiêu đề ra 800 tỉ USD.

"Chính vì vậy, chúng ta cần phải cùng nhau phối hợp tích cực đàm phám, mở cửa thị trường với các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Chúng tôi cũng tích cực làm việc với Ngân hàng Nhà nước để bàn các giải pháp khẩn trương đưa vốn vào sản xuất và xuất khẩu; khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp để cứu đơn hàng, giữ thị trường. Với các giải pháp kiến nghị mang tính chính sách, chúng tôi sẽ tập hợp để báo cáo Chính phủ và Quốc hội tìm cách tháo gỡ", - ông Diên cho hay.

Ngân hàng Nhà nước sắp làm gì?
Cùng với đó là triệt để khai thác các thị trường mà Việt Nam là thành viên trong các FTA để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Bộ trưởng cũng nêu bật tầm quan trọng của việc nghiên cứu Luật pháp quốc tế, Luật pháp nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong các vụ việc có tranh chấp (giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khác, nhất là doanh nghiệp nước ngoài).
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu tập trung củng cố các hiệp hội, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy chạy, việc ai nấy làm” để xây dựng, phát triển hiệp hội ngày càng lớn mạnh, cùng nhau phát triển.
Đối với Bộ Tài Chính bao gồm Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan: đề nghị khẩn trương xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong các thủ tục thông quan tại các cửa khẩu.
Thảo luận