Tính đến ngày 3/4/2023, trong số các lô hàng dệt may và giày dép nhập khẩu trị giá 15 triệu USD bị tạm giữ để kiểm tra tuân thủ đạo luật UFLPA, có đến hơn 80% là từ Việt Nam và chỉ 13% lô hàng tạm giữ của Việt Nam được thông quan.
Đạo luật UFLPA của Mỹ đang ảnh hưởng đến dệt may Việt Nam
Reuters dẫn số liệu liệu hải quan Mỹ cho biết, trong số những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới, Việt Nam là nước chịu tác động nặng nề nhất từ Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA) của Mỹ.
“Việt Nam - trung tâm sản xuất hàng may mặc và giày thể thao của thế giới chật vật khi Mỹ cấm nhập khẩu bông vải Tân Cương”, ấn phẩm lưu ý.
UFLPA có hiệu lực từ tháng 6/2022, yêu cầu các công ty xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ phải chứng minh họ không sử dụng nguyên liệu thô hoặc thành phần được sản xuất dựa vào lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
Đạo luật UFLPA đang gây nhiều khó khăn cho ngành dệt may của Việt Nam, vốn đang phải “vật lộn” trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng ở các nước phương Tây suy yếu.
“Các quy định ngày càng chặt chẽ của Mỹ trong việc cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương, Trung Quốc đang gây thêm áp lực lên các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép của Việt Nam. Lệnh cấm của Hoa Kỳ cũng đánh vào lĩnh vực tỷ đô vốn đã chứng kiến sự sụt giảm gần 90.000 việc làm kể từ tháng 10 tại trung tâm sản xuất toàn cầu này do nhu cầu chậm lại”, Reuters nhấn mạnh.
Cần nhắc lại, các công ty dệt may Việt Nam là nhà cung cấp chính cho các thương hiệu lớn như như Gap, Nike và Adidas.
Cục Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) ghi nhận, tính đến ngày 3/4, trong số các lô hàng dệt may và giày dép nhập khẩu trị giá 15 triệu USD bị tạm giữ để kiểm tra tuân thủ đạo luật UFLPA, hơn 80% đến từ Việt Nam và chỉ 13% lô hàng tạm giữ của Việt Nam được thông quan.
Nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ vẫn lạc quan, dù chuỗi cung ứng của họ vẫn có thể bị gián đoạn do các nhà sản xuất hàng dệt may Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc khoảng một nửa nguyên liệu đầu vào.
Giá trị các lô hàng dệt may và giày dép từ Việt Nam bị từ chối thông quan vào Mỹ đã lên đến hơn 2 triệu đô la, cao gấp 3 lần so với các lô hàng từ Trung Quốc khi Mỹ siết chặt thực thi UFLPA trong những tháng đầu năm 2023.
Ngoài ra, nhà chức trách Mỹ còn kiểm tra gắt gao với cán sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm tấm pin mặt trời nhập khẩu có thể được sản xuất bằng polysilicon có nguồn gốc từ Tân Cương.
Dù vậy, cho đến nay, CBP chỉ từ chối thông quan 1% giá trị các lô hàng điện tử được kiểm tra, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 43% đối với các lô hàng may mặc và giày dép bị tạm giữ để kiểm tra.
Ước tính, CBP đã kiểm tra tất cả gần 3.600 lô hàng với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD từ nhiều quốc gia để xác định chúng không sử dụng nguyên liệu đầu vào được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
Người tiêu dùng Mỹ cũng “chịu trận”
Theo đánh giá của tác giả bài viết trên Reuters, dù các lô hàng bị tạm giữ để kiểm tra chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng trị giá 27 tỷ USD hàng dệt may và giày dép mà Việt Nam xuất sang Mỹ hồi năm ngoái, nhưng các rủi ro liên quan đến đạo luật UFLPA “có thể dẫn đến những điều chỉnh đau đớn hơn cho Việt Nam”.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, điều này sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ vì Việt Nam là quốc gia hàng đầu chuyên cung cấp hàng may mặc sử dụng nguyên liệu cotton cho Hoa Kỳ.
“Sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nguyên liệu dệt cotton từ Trung Quốc cũng có nghĩa là có nguy cơ đáng kể nguyên liệu dệt này có chứa cotton từ Tân Cương, nơi sản xuất hơn 90% cotton của Trung Quốc”, Sheng Lu, Giám đốc Khoa nghiên cứu thời trang và hàng may mặc tại Đại học Delaware (Mỹ), cho hay.
Theo Sheng Lu, Việt Nam khó có thể cắt giảm hoàn toàn sự phụ thuộc đó. Nguyên nhân là do nhiều nhà sản xuất hàng dệt may ở Việt Nam thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 4 này, Ủy ban Hàng hải liên bang Mỹ (FMC) đã phát đi cảnh báo rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng do việc kiểm tra tuân thủ đạo luật UFLPA.
Một cuộc khảo sát hồi năm ngoái cho thấy, khoảng gần 60% các nhà quản lý ngành thời trang Mỹ cho biết họ đang tìm kiếm các nhà cung cấp ở châu Á để ứng phó với đạo luật UFLPA.
Tiếp tục nhập khẩu các lô hàng từ Việt Nam
Mặc dù vậy, Sheng Lu nhận định, các công ty thời trang Mỹ sẽ khó có thể nhanh chóng tìm được nhà cung cấp thay thế. Nhiều khả năng, họ sẽ tiếp tục nhập khẩu các lô hàng từ Việt Nam, đồng nghĩa với việc CBP sẽ còn nhiều đợt kiểm tra hơn với hàng dệt may từ Việt Nam.
Số liệu hiện nay cho thấy, trung bình cứ khoảng 1 trong 3 đôi giày mà Nike và Adidas bán trên toàn cầu, cũng như 26% và 17% sản phẩm quần áo tương ứng của họ, được sản xuất tại Việt Nam.
Tuy vậy, theo báo cáo thường niên mới nhất của Nike đến tháng 5/2022, Nike đã giảm đáng kể sản lượng hàng may mặc và giày dép tại Việt Nam trong thời gian qua, dù đây vẫn là trung tâm sản xuất chính của hãng.
Trong khi đó, người phát ngôn của Adidas cho biết, Việt Nam vẫn là một trong những nhà cung ứng chính của hãng.
Theo một số quan chức thuộc các hiệp hội thương mại ngành may mặc và giày dép của Mỹ, cho đến nay, các quy định mới của UFLPA chưa có nhiều tác động đáng kể đến Việt Nam.
Theo đó, việc cắt giảm việc làm gần đây trong các ngành này ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu toàn cầu sụt giảm.