Trong khi đó, với Quyết định 11/2023/QĐ-TT được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký, bất kỳ giao dịch bất động sản, vàng bạc, xổ số… nào có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Chấn chỉnh việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản 2845/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng (TCTD).
Trong đó, NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại không được gây áp lực cho nhân viên trong chào bán trái phiếu doanh nghiệp cho khác hàng/nhà đầu tư.
Đồng thời khi giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng/nhà đầu tư phải đảm bảo cho khách hàng nhận biết rõ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp và phân biệt rõ rang sự khác biệt giữa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi tiết kiệm.
Đáng lưu ý, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ theo đúng nội dung quy định tại Giấy phép hoạt động do NHNN cấp và quy định có liên quan khác.
Các nhà băng cũng phải chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, mẫu hợp đồng… đối với các hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ.
"Khi cung cấp dịch vụ, tổ chức tín dụng phải đảm bảo khách hàng/nhà đầu tư hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ với việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng; các rủi ro phát sinh, vấn đề cần lưu ý khi đầu tư (đặc biệt là rủi ro không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu của doanh nghiệp phát hành…)", - NHNN lưu ý.
Cùng với đó, khách hàng phải được thông báo và nắm rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình bao gồm việc tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu…); trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
"Các tổ chức tín dụng không được gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho khách hàng/nhà đầu tư mua trái phiếu, chứng chỉ quỹ để đạt chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI)", - NHNN nhấn mạnh.
Các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi của khách hàng/nhà đầu tư theo quy định.
Xử lý nghiêm trường hợp lừa dối hoặc "ép" khách mua trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các hoạt động cung cấp dịch trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ.
Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp: cung cấp thông tin không đầy đủ, không rõ ràng, thiếu chính xác dẫn đến việc khách hàng hiểu lầm về trái phiếu doanh nghiệp và giữa việc mua trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ với gửi tiền tại tổ chức tín dụng; không thực hiện đúng quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, chỉ đạo của NHNN và của pháp luật có liên quan; định hướng hoặc "ép" khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống rà soát, kịp thời có biện pháp giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến hoạt động tư vấn giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng cũng như trách nhiệm của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, nhà đầu tư theo hợp đồng (nếu có).
Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác phổ biến, truyền thông nội bộ để nhân viên, cán bộ hiểu rõ các quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, chỉ đạo của NHNN và quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ nhằm tăng cường ý thức tuân thủ, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong quá trình thực hiện.
Chặn "quả bom trái phiếu"
Đây là động thái mới nhất của NHNN nhằm ngăn chặn tình trạng "quả bom nổ chậm" mang tên trái phiếu doanh nghiệp. Những diễn biến trên thị trường trái phiếu vừa qua đặc biệt gây lo ngại. Với sức ép từ nhiều phía và nỗ lực làm lành mạnh thị trường Bộ Tài chính đã tìm cách siết chặt thị trường này, cả cung lẫn cầu.
Như Sputnik đưa tin, những tháng gần đây, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường trái phiếu gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để khôi phục niềm tin và giảm áp lực thanh khoản của thị trường trái phiếu.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã lưu ý, giai đoạn 2020-2021 là thời kỳ thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, bởi nguồn tín dụng của các ngân hàng cho bất động sản bị siết chặt, lãi suất huy động của ngân hàng thấp, nên các doanh nghiệp bất động sản đã tung ra sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất hấp dẫn, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn.
Điển hình, như ĐBQH Hoàng Văn Cường, trái phiếu doanh nghiệp cũng là kênh huy động vốn tốt cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, khi gặp bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thị trường khó khăn, suy thoái, những sản phẩm bất động sản không tiêu thụ được nhưng đến kỳ đáo hạn trái phiếu trả lãi cho nhà đầu tư, dẫn đến khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản.
"Nếu tất cả người mua trái phiếu đồng loạt rút vốn đúng kỳ hạn và trước thời hạn sẽ dẫn tới tình trạng "quả bom" trái phiếu doanh nghiệp", - chuyên gia lưu ý và khuyến nghị cần cân nhắc rất kỹ và cần có biện pháp xử lý cẩn trọng.
Với văn bản 2845/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như nỗ lực từ Bộ Tài chính bằng Nghị định 08, Việt Nam đang nỗ lực làm lành mạnh hoá và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường trái phiếu, theo đó, cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Giao dịch trên 400 triệu đồng phải báo cáo NHNN
Trong một diễn biến khác, hôm qua 28/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, áp dụng với một số đối tượng, ngành nghề nhất định.
Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Cụ thể, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Dịch vụ trung gian thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền.
Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược; Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; Kinh doanh kim khí quý, đá quý;
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý cũng nằm trong đối tượng phải báo cáo.
Theo Quyết định 11/2023/QĐ-TTg, từ 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 đồng trở lên.
Hiện nay, Quyết định 20/2013/QĐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300.000.000 đồng.