Các chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 8% là một liều lượng kích thích tốt, một cú hích kích cầu tiêu dùng cho thị trường bán lẻ và thúc đẩy sản xuất – kinh doanh sớm phục hồi.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế VAT tại kỳ họp tháng 5
Trong Nghị quyết ban hành ngày 2/5, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Nghị quyết của Chính phủ cũng quyết nghị việc giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5.
Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định, đảm bảo tiến độ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
VAT 8% dự kiến được áp dụng đến hết năm 2023
Trước đó, trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT với hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10%.
Cơ sở kinh doanh khi xuất hoá đơn sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế. Chính sách này dự kiến áp dụng đến hết năm 2023.
Với lần giảm thuế VAT này, Bộ Tài chính ước tính, ngân sách giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay.
Năm 2022, Chính phủ cũng giảm thuế VAT về 8% để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này năm nay là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách.
Cú hích quan trọng từ việc giảm thuế VAT
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cùng chung quan điểm việc giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10% xuống còn 8% sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.
Giới quan sát cho rằng, tác dụng thực chất và về mặt tâm lý của việc giảm 2% thuế VAT đã được chứng minh.
Thực tế, thuế VAT không chỉ đánh trên người tiêu thụ cuối cùng, mà còn đánh thuế cả các nhà phân phối trong chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất cho đến người tiêu dùng.
Do đó, theo các chuyên gia, việc giảm thuế VAT không những kích thích người tiêu dùng cuối cùng, mà còn kích thích cả những người mua hàng hóa trong hệ thống phân phối và sẽ có ảnh hưởng rất mạnh đến nền kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, đây là cách hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất của Chính phủ trong thời điểm này, vì các công ty, hộ kinh doanh chỉ cần đúng nhóm ngành được giảm là cơ quan thuế căn cứ theo đúng hồ sơ và thực hiện cắt giảm thuế.
Bên cạnh đó, giảm thuế VAT sẽ giúp người bán tiết kiệm một số chi phí sản xuất và không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao, từ đó giữ vững khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.
Đặc biệt, giảm thuế trung hòa áp lực lạm phát - đang gia tăng do các chi phí điện, nước, y tế và giáo dục tăng trở lại sau thời gian không tăng do đại dịch Covid-19.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc giảm thuế VAT là biện pháp tích cực của chính sách tài khoá để chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, theo phương án của Bộ Tài chính thì sẽ giảm 2% mức thuế suất VAT đối với tất cả nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.
“Đây là sự khác biệt lớn so với năm ngoái và biện pháp mạnh tay này của Bộ Tài chính sẽ có tác dụng mạnh hơn nhiều”, - chuyên gia tin tưởng.