Họ được hứa sẽ được trả lại 100% số tiền đã đóng. Điều kiện là khách phải chấm dứt mọi hành động chống lại công ty bảo hiểm.
Manulife đồng ý hoàn tiền nhưng khách hàng phải ký giấy 'im lặng'
Theo nội dung trong giấy "thỏa thuận giải quyết khiếu nại" được phía doanh nghiệp in sẵn để khách hàng đọc và ký tên, sau khi thỏa thuận để tìm giải pháp phù hợp, hai bên mong muốn giải quyết khiếu nại và tranh chấp trên cơ sở “không thừa nhận trách nhiệm pháp lý của Manulife Việt Nam”.
Đáng chú ý, nội dung thỏa thuận còn yêu cầu bên mua bảo hiểm (khách hàng) sẽ chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và/hoặc bất kỳ hành động nào chống lại công ty bảo hiểm này và các cấp quản lý, nhân viên của công ty.
Cùng với đó, khách hàng còn phải cam kết giữ bí mật tuyệt đối về nội dung, điều khoản của “thỏa thuận giải quyết khiếu nại”.
Đồng thời không được tiết lộ công khai bất kỳ nội dung nào về thỏa thuận trên cho bên thứ ba (ngoại trừ cho cố vấn pháp lý của bên mua bảo hiểm, hoặc theo yêu cầu của tòa án có thẩm quyền).
Trong khi đó, VTC News dẫn nguồn tin từ Manulife Việt Nam cho biết, vẫn đang trong quá trình làm việc với các khách hàng mua Tâm an đầu tư – sản phẩm liên kết giữa Manulife và Ngân hàng SCB.
“Các hợp đồng sẽ được xử lý sao cho thỏa đáng nhất với từng khách hàng. Manulife sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm trước 30/6”, - đại diện Manulife bày tỏ.
Phải “câm miệng”
Sau khi thông tin Manulife quyết định hủy hợp đồng cho một số cá nhân, nhiều khách hàng mua sản phẩm Tâm An Đầu Tư cho rằng, cần phải làm rõ số tiền được nhận lại sẽ là bao nhiêu. Bởi, có thể số tiền được nhận lại sẽ rất ít so với con số đã đóng thực tế.
Thời gian qua, hàng trăm khách hàng đã gửi khiếu nại tới công ty bảo hiểm, tố cáo đến Công an TP.HCM về việc bị giả chữ ký, bị chuyển tiền từ ngân hàng tới công ty bảo hiểm trước khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết.
Hay thậm chí có người còn cho biết bị một vị tổng giám đốc đã từ nhiệm ký tên vào hợp đồng bảo hiểm, chưa từng gặp đại lý bảo hiểm.
“Quá mệt mỏi. Mình khiếu nại bị lừa, giờ được hứa trả tiền nhưng phải im miệng, cứ như trộm tiền của ai. Đây là bài học lớn”, - một khách hàng bức xúc chia sẻ với báo Tuổi Trẻ.
Có khách hàng sau khi tới làm việc thì phía công ty bảo hiểm hứa sẽ xem xét thêm và hẹn khoảng một tuần sau mới trả lời. Khách hàng cho biết vẫn chưa được cho gặp đại lý đứng tên trên hợp đồng bảo hiểm.
Đa số khách hàng đã đồng ý ký tên, giữ im lặng để được nhận tiền, không muốn dây dưa kéo dài. Tuy nhiên, một số ít khách hàng cho biết trong vài ngày tới sẽ đến lịch hẹn của mình, cho rằng bản thân đã bị lừa, nên sẽ khởi kiện để buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường, thay vì ký giấy “câm miệng” và “im lặng”. Họ quyết đấu tranh tới cùng.
NHNN chi nhánh TP.HCM nói về các khiếu nại liên quan Manulife và SCB
Mới đây, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động đại lý bảo hiểm sẽ được đưa vào nội dung thanh tra ngân hàng.
Cụ thể, theo NHNN chi nhánh TP.HCM, từ cuối tháng 10/2022 đến nay, đơn vị này đã nhận các đơn thư của các cá nhân và tập thể phản ánh một số nội dung liên quan đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trong việc liên kết bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư “Tâm an đầu tư”.
Các phản ánh xoay quanh việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng khiến người mua nhầm tưởng đây là một sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng; tự ý khai khống thông tin khách hàng…
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã chuyển các đơn thư phản ánh đến các đơn vị liên quan để xử lý theo quy định.
Phía Công ty Manulife cũng đang tìm hiểu, nắm thông tin để trực tiếp làm việc với khách hàng tham gia sản phẩm dịch vụ này nhằm giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấp hành đúng quy định của pháp luật khi triển khai thực hiện nghiệp vụ này.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, giữa tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm; nhân sự tư vấn bảo hiểm phải có chứng chỉ đào tạo; phải có quy định, quy trình nghiệp vụ cụ thể; bố trí khu vực riêng biệt khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn dịch vụ bảo hiểm, tránh chồng chéo vào các nghiệp vụ khác....
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ đưa nội dung chấp hành các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm vào nội dung thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023.
Cấm ép buộc khách mua bảo hiểm
Trong khi đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ về việc tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm.
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của khách hàng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục Quản lý giám sát bảo hiểm xây dựng quy trình xử lý đối với các thông tin phản ánh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp và xử lý các thông tin tiếp nhận qua các kênh thông tin phản ánh trực tiếp, đơn thư, đường dây nóng.
Đặc biệt, tập trung tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng và nhiệm vụ được giao…
Như Sputnik đưa tin, trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về các bất cập có liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng, tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm.
“NHNN phải có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng”, - Phó Thủ tướng chỉ đạo.