Đã rõ về tình hình nợ công của Việt Nam

Đến hết ngày 31/12/2022, dư nợ công của Việt Nam khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 36,8% GDP.
Sputnik
Nợ công của Việt Nam giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo theo nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công.

Thu từ thuế và phí đạt 15,4% GDP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, vừa ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2023.
Tại báo cáo, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2022, Chính phủ cho biết dự toán thu NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm 1.707,58 tỷ đồng bổ sung dự toán thu từ nguồn Quỹ thăm dò dầu khí đang theo dõi tại PVN), báo cáo Quốc hội ước đạt 1.614,1 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, thực hiện đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (28,6%) so với dự toán, tăng 201,4 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 19,1% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 15,4% GDP.
Số thu nội địa tăng so với báo cáo Quốc hội, theo Chính phủ, chủ yếu từ 3 khu vực kinh tế (tăng gần 80,5 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số khoản thu có mức tăng lớn như: Thuế thu nhập cá nhân (tăng 17,3 nghìn tỷ đồng); thu phí, lệ phí (tăng 15,1 nghìn tỷ đồng); thu khác ngân sách (tăng 10,5 nghìn tỷ đồng); thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước (tăng 7,4 nghìn tỷ đồng).
Việt Nam vẫn là chủ nợ lớn của Mỹ, nợ công thấp nhất kể từ 2008
Nguyên nhân được Chính phủ chỉ rõ là do những tháng cuối năm kinh tế vẫn duy trì được đà phục hồi, các doanh nghiệp thu nộp ngân sách tăng, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV và tạm nộp cả năm (đảm bảo không thấp hơn 80% số thuế phải nộp theo quyết toán).
Giá dầu vẫn duy trì ở mức cao, các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh khai thác, chế biến kinh doanh dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách trong lĩnh vực này.
Cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cũng đẩy mạnh tiêu thụ, số thuế tiêu thụ đặc biệt nộp ngân sách tăng.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, Công ty Toyota và Honda nộp ngân sách tăng 5,1 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện; Tập đoàn Trường Hải nộp tăng 3,1 nghìn tỷ đồng.

Chi ngân sách tăng gần 19% so với dự toán

Về chi ngân sách nhà nước, dự toán chi là 1.816 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng.
Căn cứ các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán và các nhiệm vụ chi chuyển nguồn sang năm 2023, đánh giá thực hiện chi NSNN năm 2022 ước đạt 2.158,1 nghìn tỷ đồng, tăng 342,1 nghìn tỷ đồng (+18,8%) so với dự toán, tăng 122,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 638,1 nghìn tỷ đồng, tăng 80,6 nghìn tỷ đồng (+14,5%) so dự toán, giảm 25,1 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Chi trả nợ lãi đạt 94,8 nghìn tỷ đồng, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, giảm 8,9 nghìn tỷ đồng so dự toán, giảm 4,9 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.
Chi thường xuyên đạt gần 1.101,9 nghìn tỷ đồng, giảm 9,3 nghìn tỷ đồng (-0,8%) so dự toán, giảm 17,4 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.
Chìa khoá dẫn đến thành công kinh tế của Việt Nam
Khoản này giảm, chủ yếu do điều hành chặt chẽ, cắt giảm, hủy dự toán các khoản chi chưa thực sự cần thiết, hoặc chưa triển khai, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn sang năm sau, Chính phủ cho biết.
Về bội chi, theo dự toán bội chi NSNN năm 2022 là 404,3 nghìn tỷ đồng (4,3% GDP), báo cáo Quốc hội ước đạt 421,3 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả tăng bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế).
Kết quả thực hiện, theo báo cáo, đạt khoảng 342,6 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% GDP thực hiện, giảm 61,7 nghìn tỷ đồng so dự toán. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương giảm 45,9 nghìn tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương giảm giảm 15,8 nghìn tỷ đồng.

Nợ công Việt Nam cách xa ngưỡng cảnh báo

Đáng chú ý, tính đến hết ngày 31/12/2022, dư nợ công còn khoảng 38% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 34,7% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 36,8% GDP.
Mức này thấp hơn trần quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2026 (trần tương ứng là 60%GDP, 50%GDP và 50%GDP; trong đó ngưỡng cảnh báo tương ứng là 55%GDP, 45%GDP và 45%GDP).
Chính phủ đánh giá, kết quả tích cực này góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Năm 2022, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, “triển vọng ổn định”; Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức Ba3 lên mức Ba2, “triển vọng ổn định”.
Chính phủ cũng cho biết, năm 2022 đã chủ động điều hành, quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu ngân sách, qua đó đảm bảo nguồn hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, không phải tăng vay.
Phương Tây không thổi phồng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, với kỳ hạn phát hành từ kỳ hạn trên 10 năm, đồng thời tăng tỷ trọng các mã phát hành có kỳ hạn dài 20-30 năm, lãi suất phát hành thấp. Nhờ vậy, kéo dài kỳ hạn còn lại, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
Năm 2022 Chính phủ cũng quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, trả nợ, bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại. Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ bội chi và các khoản vay của ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Với năm 2023, Chính phủ khẳng định kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ công, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Bố trí thanh toán trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Thảo luận