Chìa khoá dẫn đến thành công kinh tế của Việt Nam
© AP Photo / Hau DinhContainer vận tải đang được xếp lên tàu tại Cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
© AP Photo / Hau Dinh
Đăng ký
Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Đông Nam Á tránh được suy thoái do COVID-19 nhờ khả năng quản lý khủng hoảng tốt và các chính sách kinh tế hợp lý.
Đặc biệt, những cải cách sâu rộng và liên tục kể từ cuối những năm 1980 là chìa khóa dẫn đến thành công kinh tế của Việt Nam.
OECD dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 6,5%
Ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”.
Đây là báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam do OECD và ADB thực hiện.
Báo cáo nêu rõ, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về sự gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ duy trì được đà tăng trưởng từ năm 2022 trở đi.
OECD dự báo tăng trưởng GDP thực tế sẽ ở mức 6.5% vào năm 2023 và duy trì tốc độ 6.6% vào năm 2024 mặc dù rủi ro có xu hướng giảm.
Báo cáo lưu ý rằng, dù có sự gia tăng, nhưng lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mức ở nhiều quốc gia OECD, ở mức 4,3% trong năm tính đến tháng 2 năm 2023 đối với lạm phát giá tiêu dùng chung, so với mức trung bình 8,8% ở các quốc gia OECD.
Theo các chuyên gia của OECD, nhu cầu nội địa sẽ tiếp tục gia tăng do các hạn chế kiểm dịch COVID-19 đã được dỡ bỏ. Đầu tư của doanh nghiệp sẽ vững chắc khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang quay trở lại. Đầu tư của Chính phủ, gồm cả gói kích thích kinh tế mới nhất, cũng được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
“Tuy nhiên, với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng”, - OECD nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các điều kiện bên ngoài cũng có thể đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế.
“Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục đè nặng lên thương mại toàn cầu và lạm phát gia tăng trên khắp thế giới có thể gây thêm áp lực giảm tỷ giá hối đoái cho Việt Nam”, - các chuyên gia lưu ý.
Hiện tại, giá năng lượng và lương thực tăng cao đang đè nặng lên triển vọng kinh tế. Đáng chú ý, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo được dự báo sẽ tiếp tục giảm (World Bank, 2022), sức mua của các hộ gia đình vẫn bị ảnh hưởng và tăng trưởng tiêu dùng tư nhân sẽ giảm bớt sau khi phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy của quý III/2021.
Xung đột kéo dài ở Ukraina đang tác động tới thương mại toàn cầu và các chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn. Tuy vậy, tác động trực tiếp của cuộc xung đột đối với Việt Nam là hạn chế và nhu cầu bên ngoài dự kiến sẽ ổn định.
Thêm nữa, chính sách COVID-19 thay đổi của Trung Quốc đang gây thêm bất ổn cho thương mại khu vực, nhưng điều này cũng sẽ giúp tăng sức hấp dẫn tương đối của Việt Nam như một điểm đến đầu tư.
Giảm phụ thuộc vào điện than
Trong bối cảnh đó, OECD đánh giá, việc thực hiện những cải cách cơ cấu, đặc biệt là cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, là rất quan trọng để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn.
Để ứng phó với những thách thức, OECD cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy cải cách cơ cấu nhằm tăng cường các lực lượng thị trường.
Ngoài ra, theo OECD, để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
“Việt Nam nên dừng đầu tư mới vào than đá và đẩy nhanh việc thực hiện thị trường carbon vì những cải cách này sẽ yêu cầu các nguồn lực tài chính bổ sung, cơ sở thuế nên được mở rộng để tăng thu nhập của Chính phủ”, - báo cáo chỉ rõ.
Đối với các chính sách, OECD đánh giá Việt Nam có một khung chính sách tiền tệ riêng biệt cùng hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý, chính sách tài khóa được cải thiện góp phần giúp Chính phủ có dư địa tài khóa rộng rãi để phòng vệ trong điều kiện kinh tế xấu đi.
Ba thông điệp về nền kinh tế Việt Nam
Báo cáo cũng đưa ra 3 thông điệp chính về nền kinh tế Việt Nam.
Đầu tiên, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.
Trong trung hạn, OECD cho rằng, Việt Nam phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi”, - chuyên gia khuyến nghị.
Trong thông điệp cuối cùng, OECD lưu ý, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn.
Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi, tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng carbon.
Thành công của Việt Nam
Tại buổi công bố báo cáo, TS. Vincent Koen, Quyền Phó Giám đốc Chi nhánh Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế của OECD, cho biết, Việt Nam đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng kể trong những thập niên qua và duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
“Những cải cách sâu rộng và liên tục kể từ cuối những năm 1980 là chìa khóa dẫn đến thành công kinh tế này”, - chuyên gia thuộc Ban Kinh tế của OECD nhận xét.
Đặc biệt, kinh tế Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những cú sốc, bao gồm cả đại dịch COVID-19. Thời kỳ đại dịch, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này vượt trội so với hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á khác.
“Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Đông Nam Á tránh được suy thoái do COVID-19 nhờ khả năng quản lý khủng hoảng và các chính sách kinh tế hợp lý”, - chuyên gia nhấn mạnh.
Thực tế, Việt Nam đã chứng kiến sự giảm nghèo đáng kể trong ba thập kỷ qua, giúp giảm tỷ lệ nghèo từ 80% năm 1992 xuống còn 7% ngay trước cuộc khủng hoảng COVID-19. GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của OECD đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua, đạt gần 25%.
Tuy nhiên, trong những năm tới, dân số già hóa nhanh chóng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tài chính công, đặc biệt khi Việt Nam cần mở rộng diện bao phủ lương hưu khu vực công còn thấp.
Để tiếp tục nâng cao mức sống, cần tăng doanh thu thuế để tài trợ cho các nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, bao gồm bảo hiểm xã hội rộng hơn, đồng thời thúc đẩy năng suất lao động và tính năng động của doanh nghiệp và giảm thiểu thị trường lao động phi chính thức.
Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số cũng rất quan trọng đối với sự thịnh vượng trong tương lai của Việt Nam. Đổi mới kỹ thuật số có thể mang tính biến đổi đối với các thị trường mới nổi vì chúng có thể được áp dụng và phổ biến nhanh hơn so với những tiến bộ trong các lĩnh vực truyền thống hơn.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 30% GDP vào năm 2030, so với mức xấp xỉ 7% GDP hiện nay, bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng chất lượng, chính phủ điện tử và khả năng tiếp cận dịch vụ 5G.
Theo đại diện OECD, điều quan trọng là phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục kỹ thuật và dạy nghề để cải thiện kỹ năng kỹ thuật số của người lao động, đồng thời mở cửa thị trường viễn thông cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt bằng cách đẩy nhanh việc thông qua và thực thi luật mới để giảm bớt các rào cản đối với sự gia nhập của nước ngoài và nới lỏng các hạn chế về sở hữu nước ngoài.
“Những cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết để Việt Nam tiếp tục con đường phát triển kinh tế và xã hội cũng như hưởng lợi đầy đủ từ việc hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu”, - TS. Vincent Koen nói và tin tưởng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vững chắc.