Chính phủ Việt Nam vừa đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trước đó, giữa tháng 4/2023, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT với hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10%. Năm ngoái, giảm thuế VAT về 8% cũng được Chính phủ áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này năm nay là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, sớm phục hồi kinh doanh và đóng góp trở lại cho ngân sách.
Giảm thuế VAT để kích thích sản xuất và đầu tư
Theo chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam Nguyễn Hồng Long, Việt Nam tuy đã kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng cũng chịu khá nhiều thiệt hại do trận đại dịch này gây ra. Như nhiều chuyên gia đã dự báo từ trước, sau “cú đột khởi” với tăng trưởng lên tới trên 13% vào quý III năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc xin phá sản.
“Trên thế giới, các đầu tàu kinh tế Mỹ và EU đang trên bờ vực suy thoái còn nền kinh tế Trung Quốc thì phục hồi chậm… Trong khi đó thì việc các nước khối OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã làm cho mặt hàng này tăng giá trở lại, tác động bất lợi đến đầu vào của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất làm cho giá thành hàng hóa xuất khẩu tăng lên, trong khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp… Tình trạng này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải có những ứng xử linh hoạt trong chính sách điều hành nền kinh tế”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh, trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia Sputnik đã phỏng vấn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những bước đi phù hợp khi hạ lãi suất cơ bản của các ngân hàng thương mại và ngân hàng thương mại cổ phần để khơi thông dòng vốn, khoanh nợ, giãn nợ… nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh hơn. Tuy nhiên, chỉ một chính sách lãi suất là chưa đủ. Các chính sách giãn nợ, khoanh nợ cũng chỉ tác động phần nào giúp các doanh nghiệp tồn tại chứ chưa thể phát triển mạnh mẽ trở lại.
“Khi thị trường xuất khẩu vẫn khó khăn với chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước quý I năm 2023 giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái, việc thúc đẩy thị trường nội địa, tăng tiêu dùng trong nước sẽ tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng. Dù vậy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I có một số điểm đáng lo. Chỉ số này tại đầu tàu kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 0,8%, bằng 1/3 so với chỉ số tăng trưởng chung của cả nước, điều rất hiếm gặp. Do đó theo giới chuyên gia, sử dụng công cụ giảm thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để giải bài toán này”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
“Những tác động tích cực của việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế giá trị gia tăng khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long đánh giá quyết định của Chính phủ Việt Nam trong trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Long cũng lưu ý rằng, chính sách lãi suất mới chỉ tác động đến “đầu vào” của nền kinh tế. Cần phải có một chính sách khác tác động đến “đầu ra” của nền kinh tế. Từ đó mà có đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% ít nhất là trong nửa cuối năm 2023.
“Tôi cho rằng, đây là liều “Doping” giúp các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long bình luận.
Cần thêm công cụ tiền tệ để có sự đồng bộ
Theo chuyên gia tài chính Lý Hoài Linh, sử dụng công cụ tài khóa (thuế VAT) để tăng sức mua là một biện pháp cần làm để kích cầu kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên để hiệu quả, thực chất cần thêm công cụ tiền tệ như hạ lãi suất, tăng cung tiền để có sự đồng bộ.
“Việt Nam lạm phát đang tương đối thấp (chính thức), thặng dư ngân sách đang lớn… nên dư địa vẫn còn cho các biện pháp trên”, - Chuyên gia tài chính Lý Hoài Linh phát biểu với Sputnik.
Một số chuyên gia còn cho rằng, vấn đề chính cản trở phát triển vẫn là cơ chế hành chính và hệ thống chính sách chồng chéo và hình sự hoá quan hệ kinh tế.
“Hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, nhược điểm. Ví dụ như tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Điển hình nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, an toàn thực phẩm… Sự cồng kềnh, mâu thuẫn, chồng chéo làm giảm tính minh bạch của pháp luật, khiến cho pháp luật trở nên khó áp dụng, hiệu lực và hiệu quả điều chỉnh thấp”, - TS kinh tế Lê Hòa nói với Sputnik.
Nhưng dù sao thì chính sách giảm thuế VAT cũng tạo thêm những sức hút nhất định do giá đầu vào của sản phẩm và là liều kích thích cho sản xuất và đầu tư.