Theo đó, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, khai thác hiệu quả các thị trường khách du lịch quốc tế có nhiều tiềm năng.
Để thu hút du khách, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển các sản phẩm du lịch mới, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển bền vững.
Động thái này của Chính phủ Việt Nam được đánh giá là linh hoạt và kịp thời, khi chưa có đủ thời gian để sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo trình tự.
Trước đó, trong bối cảnh du lịch bị ảnh hưởng sau đại dịch, các cơ quan bộ ngành đã có nhiều kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách quốc tế thời gian tới.
Theo Vietnam Plus, tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 3.683.000 lượt - gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.