Người thân của bà Nhàn cho rằng, việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có đưa hối lộ hay không thì chỉ bản thân bà Nhàn mới biết. Việc sử dụng lời khai của người khác để buộc tội mà không có những chứng cứ khác, bà Nhàn bị xử vắng mặt, không được lấy lời khai và không tham gia đối chất là chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
“Em gái chúng tôi có đưa hối lộ hay không thì chỉ em ấy biết”
Theo thông báo của TAND Cấp cao tại Hà Nội, từ ngày 22 đến ngày 24/5 tới đây, tòa sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC), Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Tại phiên phúc thẩm này, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xem xét kháng cáo của 15 bị cáo, trong đó có đơn của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (được luật sư kháng cáo thay), ông Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC. Đặc biệt, không chỉ bà Nhàn, 7 bị cáo khác hiện đang bỏ trốn cũng được luật sư thay mặt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.
Ngày 11/5, người thân bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có đơn kiến nghị xét lại việc điều tra xét xử Chủ tịch AIC. Theo báo Vietnamnet (cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam) đưa tin cho biết, có 4 anh, chị ruột của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm đơn kháng cáo cho bị cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trình bày trong đơn kháng cáo, 4 anh, chị ruột của bà Nhàn ngụ ý rằng, việc bà Nhàn vẫn đang bỏ trốn, Việt Nam xét xử vắng mặt nữ Chủ tịch AIC trong bối cảnh thiếu lời khai, thiếu đối chất trực tiếp, mà chỉ dựa vào lời khai của các bị can là chưa phù hợp.
“Em gái chúng tôi có đưa hối lộ hay không thì chỉ em ấy biết. Việc sử dụng lời khai của người khác để buộc tội em gái chúng tôi mà không có những chứng cứ khác, trong khi không có mặt em gái chúng tôi để lấy lời khai và đối chất làm rõ là không đảm bảo các quy định của pháp luật”, người thân của bà Nhàn lập luận.
Trước đó, luật sư của bị cáo Nhàn cho rằng, quá trình điều tra chưa đầy đủ, chưa chứng minh được bị cáo Nhàn là chủ mưu trong việc thông thầu. Người bảo vệ quyền lợi của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại.
Người thân của bà Nhàn cũng đưa ra giả thiết nếu hai cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thay đổi lời khai (từ nhận hối lộ sang phủ nhận) thì việc kết tội “đưa hối lộ” đối với bà Nhàn có thể là không hợp lý.
“Chúng tôi giả sử trường hợp ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai khai lại rằng, thực tế không có việc nhận tiền từ em gái tôi thì rõ ràng em gái chúng tôi không có tội đưa hối lộ. Do đó chỉ dùng lời khai của bị cáo Thành, Thái làm căn cứ buộc tội là oan ức cho em gái chúng tôi”, 4 anh chị ruột của nữ Chủ tịch AIC giả định.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định là chủ mưu cầm đầu
Trước đó, ngày 4/1/2023, TAND TP Hà Nội đã xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, muốn trúng thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai nên gặp, nhờ bị cáo Trần Đình Thành, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, giúp đỡ.
Thông qua ông Thành, bị cáo Nhàn và người trong AIC tiếp xúc với các lãnh đạo khác gồm: Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế; Bồ Ngọc Thu, cựu giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Nhờ sự tác động của các cựu lãnh đạo Đồng Nai, Công ty AIC đã trúng 16 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai với giá cao hơn thị trường, gây thiệt hại 152 tỷ đồng. Sau đó, nhóm AIC hối lộ các bị cáo Thành, Thái mỗi người 14,5 tỷ đồng; Vũ 14,8 tỷ đồng.
Tòa án xác định bị cáo Nhàn đã phạm các tội đưa hối lộ và vi phạm đấu thầu với vai trò cầm đầu, chủ mưu và chịu tình tiết tăng nặng là đã bỏ trốn.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, bị tuyên phạt 16 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và 14 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" (bị cáo đang bỏ trốn); tổng cộng hình phạt là 30 năm tù.
Chưa bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Hồi tháng trước, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã trả lời báo giới về vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, đến nay chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào do địa phương chuyển lên có liên quan đến vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Còn theo quyết định truy nã, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại căn hộ 1102, chung cư Pacific Place, số 83B phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Như Sputnik đưa tin, tại cuộc họp báo của Ban Nội chính Trung ương thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chiều qua, nhà chức trách Việt Nam cho biết, vẫn chưa bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
“Riêng với bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên quan vụ AIC, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp, áp dụng biện pháp để cố gắng truy bắt”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên thông tin.
Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng nhắc lại, vụ án liên quan bà Nhàn đã được đưa ra xét xử.
“Nhà nước quyết tâm thi hành nhưng giờ phải nói rõ là chúng ta chưa bắt được, chứ không có chuyện bắt được xong giấu ở đâu. Thi thoảng chúng tôi nhận được thông tin hỏi hình như bắt được rồi xong giam ở đâu phải không”, ông Yên nói thẳng.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ bị can đã thành bị cáo, rồi lại thành bị án, tức là người đã có bản án nên trách nhiệm là phải thi hành.