Theo dự báo, việc Nga và Trung Quốc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu phân bón, chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá phân bón giảm, tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu phân bón của Việt Nam giảm
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu 131.913 tấn phân bón, đạt 48,48 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và giảm 11,2% về trị giá so với tháng trước.
“So với cùng kỳ năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu phân bón của Việt Nam giảm lần lượt 22% và 51%”, - Tổng cục Hải quan cho biết.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 537.269 tấn phân bón, đạt 232,16 triệu USD, giảm lần lượt 17,1% về lượng và 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xét về thị trường xuất khẩu, trong tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu phân bón sang 9 thị trường, trong đó có 6 thị trường thuộc các nước thành viên ASEAN.
Đáng chú ý, Campuchia hiện là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam với 46.284 tấn, đây cũng là thị trường duy nhất ghi nhận xuất khẩu phân bón đạt từ 10.000 tấn trở lên.
Cũng trong khối ASEAN, Malaysia là thị trường xuất khẩu phân bón lớn thứ hai của Việt Nam với 8.128 tấn, tiếp đến là Lào với 7.883 tấn; Myanmar đạt 3.075 tấn; Philippines đạt 1.062 tấn; Thái Lan đạt 216 tấn.
Về tăng trưởng, Lào là thị trường duy nhất trong khối ASEAN có mức tăng trưởng dương trong tháng 4 với +20% về lượng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, Campuchia giảm 16%. 4 thị trường còn lại đều giảm ở mức trên 50%, bao gồm Myanmar giảm 61%, Malaysia giảm 70%, Philippines giảm 89% và đặc biệt là Thái Lan giảm 94%.
Bên ngoài khối ASEAN, tháng 4/2023, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật bản với lượng đạt lần lượt 692 tấn, 3.320 tấn và 602 tấn.
Nhóm 3 thị trường này đều ghi nhận đà giảm xuất khẩu về lượng với lần lượt 4%, 82% và 49% so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Động thái mới của Nga và Trung Quốc
Như vậy, 4 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu phân bón giảm cả về lượng và giá.
So với thời điểm 4 tháng đầu năm 2022, giá phân bón tăng cao, nhất là giá ure. Hiện giá ure xuất khẩu chỉ đạt khoảng 40% so với thời điểm đầu năm 2022.
Thêm vào đó, việc Nga và Trung Quốc nới lỏng công tác xuất khẩu phân bón, chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón toàn cầu càng làm cho giá phân bón giảm. Ngành phân bón Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2022. Đồng thời, giá phân bón xuống rất thấp so với cùng kỳ, nhiều đơn vị điều chỉnh mức doanh thu, lợi nhuận.
Trong báo cáo về ngành phân bón mới công bố, SSI Research dự báo, giá urê có thể giảm tiếp trong thời gian tới do xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc sẽ phục hồi, chi phí đầu vào để sản xuất urê (than và khí tự nhiên) giảm và nhu cầu urê suy yếu.
Nhóm phân tích của SSI Research và Agriseco Research đều đánh giá, ngành phân bón năm 2023 sẽ kém khả quan hơn khi Trung Quốc mở cửa thị trường, tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa với hàng hóa từ nước này.
Ở một chiều hướng khác, cũng có dự báo cho rằng, Nga có thể sẽ tiếp tục gia hạn việc hạn chế xuất khẩu phân bón trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5/2023 cho đến tháng 11/2023 để giúp hỗ trợ cho thị trường trong nước. Trao đổi với Báo Công Thương trước đó về khả năng hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga, Tiến sĩ Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, đây có thể là một trong những yếu tố tác động đến giá phân bón trong thời gian tới.
Theo chuyên gia, giá phân bón còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu mùa vụ thực tế. Như thời điểm hiện tại, mặt hàng phân bón tiêu thụ chậm, xuất khẩu chậm do chưa vào cao điểm mùa vụ. Bên cạnh đó, giá phân bón còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu như giá khí, giá gas, xăng dầu… Diễn biến giá cả của những loại nguyên liệu này trong năm 2023 cũng có thể có những bất thường.
“Chính vì thế, mặc dù hiện giá phân bón đang ở thời kỳ thấp điểm so với năm 2022, tuy nhiên có thể có những biến động trong thời gian tới khi vào cao điểm mùa vụ, đồng thời chính sách hạn chế xuất khẩu từ phía Nga có thể tác động thêm tới thị trường phân bón 2023”, - TS. Hà nhấn mạnh.
Dữ liệu tổng hợp từ Investing.com cho thấy, từ đầu tháng 2/2023, giá giao dịch hợp đồng giao kỳ hạn phân urê giảm còn 382 USD/tấn, thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2021 và giảm 43,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Vào khoảng giữa tháng 2/2023, giá urê Trung Đông trung bình từ đầu năm đến nay là 411 USD/tấn - thấp hơn 29% so với mức trung bình của quý 4/2022.
Nhiều ông lớn xuất khẩu phân bón của Việt Nam như phân bón Bình Điền, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ đều ghi nhận lượng xuất khẩu phân bón giảm mạnh.
Theo lãnh đạo của Công ty CP Phân bón Bình Điền, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này gặp khó khăn liên tiếp do giá phân bón giảm, xuất khẩu phân bón sụt giảm do các đại lý cũng nhập hàng cầm chừng với tâm lý chờ giá xuống. Quý I năm 2023, Bình Điền ghi nhận lần đầu tiên báo lỗ sau nhiều năm liền có lãi.
Không chỉ riêng mặt hàng phân đạm urê, một số loại phân bón khác như DAP, NPK cũng ghi nhận khó khăn những tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, các doanh nghiệp như phân bón Bình Điền, Supe Phốt Phát và Hoá chất Lâm Thao... cũng đánh giá năm 2023 sẽ là một năm khó khăn.
Doanh nghiệp lưu ý, những tháng đầu năm, giá phân bón giảm, người mua vẫn có tâm lý chờ hàng giảm tiếp mới mua dẫn tớ hàng tồn kho nhiều, tiêu thụ chậm.
Trung Quốc là nhà cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam
Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 3 triệu tấn phân bón từ 51 quốc gia.
Theo nhà chức trách, năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 3,4 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch 1,6 tỷ USD, giảm 25,86% về lượng và tăng 10,1% về kim ngạch so với năm 2021. Giá nhập bình quân tăng 48,5% so với năm ngoái, lên tận 477 USD/tấn.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 50,35% trong tổng lượng phân bón nhập khẩu và chiếm 45,11% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Cả năm 2022, Trung Quốc là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam với 1,7 triệu tấn, kim ngạch 729,7 triệu USD, nhưng so với năm 2021 mức độ nhập từ thị trường này suy giảm 15,82% về lượng và tăng 18,55% về kim ngạch.
Việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại vì đợt bùng phát dịch Covid-19 trong 2 tháng đầu năm 2022 đã làm hạn chế hoạt động giao thương giữa hai nước, từ đó làm sụt giảm sản lượng phân bón thông qua hệ thống cảng Việt Nam.
Để đảm bảo đủ nguồn cung ứng phân bón cho sản xuất nông nghiệp, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác nhau như Đài Loan (2,2%), Belarus (1,65%), Bỉ (1,51%), Indonesia (1,48%), Na uy (1,12%).