Châu Âu ngấm đòn trừng phạt Nga, Việt Nam vọt lên xuất khẩu phân bón
© Ảnh : Pixabay/Samuel FaberPhân bón dạng hạt
© Ảnh : Pixabay/Samuel Faber
Đăng ký
Trong khi Liên bang Nga - cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu phân bón đang áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đạm urê, châu Âu sẽ phải tranh giành nguồn cung sản phẩm phân đạm từ khắp nơi trên thế giới và đây là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam.
Dữ liệu từ Hải quan cho thấy, xuất khẩu phân bón Việt Nam sang nhiều thị trường tăng mạnh, năm nay, có thể lập kỷ lục vượt mốc 1 tỷ USD nhờ nhu cầu tích cực trên thị trường thế giới.
Xuất khẩu phân bón Việt Nam tăng đột biến
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung 3 quý đầu năm 2022, tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước là 1,39 triệu tấn với trị giá 886 triệu USD, tăng 45,4% về lượng và tăng 166,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là mức tăng đột biến. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 9/2022, lượng phân bón các loại xuất khẩu là hơn 161.000 tấn, với trị giá hơn 94 triệu USD, tăng 36,9% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với tháng trước.
Trong 3 quý vừa rồi của năm 2022, Việt Nam xuất khẩu phân bón các loại chủ yếu sang các thị trường như ASEAN 836.000 tấn, tăng 20%, tiếp đó là Ấn Độ với 255.000 tấn, gấp 11,8 lần, Hàn Quốc với 85.000 tấn, gấp 3,6 lần so với 3 quý đầu năm 2021.
Nhiều dự báo cho thấy, sang quý 4/2022, quý cao điểm vụ Đông Xuân, sản lượng tiêu thụ phân bón trong nước được dự báo sẽ gia tăng trở lại. Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất cũng kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu phân bón từ các thị trường quốc tế sẽ có những tín hiệu tích cực hơn.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, do ảnh hưởng của thị trường thế giới và xuất khẩu thuận lợi, giá phân bón trong nước sắp vào vụ có khả năng tăng trở lại nếu không có gì thay đổi.
Chẳng hạn, có thể thấy, nếu như tháng 7, giá phân bón trong nước giảm nhẹ thì thời gian gần đây chính vì thị trường thế giới đang tốt, tỷ giá USD lại tăng, thuận lợi cho việc xuất khẩu, điều đó khiến giá phân bón Việt Nam tăng trở lại, ước khoảng từ 10.000 - 50.000 đồng/bao.
EU đang cuống cuồng tìm nguồn cung thay thế Nga
Trên thị trường thế giới có biến động, do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón của Việt Nam vẫn đang theo dõi sát sát để tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Nhịp cầu Đầu tư dẫn ý kiến của ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) cho hay do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraina, các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga, việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt khiến giá khí tại châu Âu ngày càng tăng. Cùng với đó, ông Hà lưu ý, giá phân bón có thể tiếp tục tăng mạnh.
“Với tình hình hiện tại, nhiều nhà máy (ở châu Âu) đã đóng các dây chuyền sản xuất ammonia hoặc sản xuất phân urê vì giá bán không bù được chi phí”, chuyên gia chia sẻ.
Thực tế, dựa vào bối cảnh này, không ít doanh nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, năm 2022 này, xuất khẩu phân bón có thể tăng trưởng mạnh hơn dự báo trước đó.
“Trong bối cảnh nguồn cung khí tại châu Âu đang vô cùng khan hiếm, hoạt động sản xuất phân bón bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, dự báo giá phân bón sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu phân bón của Việt Nam sẽ tăng cao”, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định.
Lãnh đạo VFA nhắc lại, hiện các sản phẩm phân bón của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực như Campuchia chiếm 27,5% tổng khối lượng xuất khẩu 8 tháng, tiếp theo là Malaysia, Hàn Quốc, Philippines, Lào, Thái Lan.
Tuy vậy, ở thời điểm này, dù cơ hội rất lớn nhưng các thị trường như châu Âu, Trung Đông, Biển Đen lại chưa thể đẩy mạnh. Nguyên do, theo ông Hà, là vì sản phẩm phân bón của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế nhưng chưa xuất khẩu ra châu lục khác.
“Có thể do các thị trường chưa “làm quen” với sản phẩm phân bón “made in Viet Nam” và chi phí vận chuyển lớn”, ông Hà lý giải.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam tin tưởng, trong thời gian tới, nhiều yếu tố được đánh giá sẽ hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu phân bón của Việt Nam sang các thị trường tiềm năng khác.
Phân tích các lợi thế, ông Hà cho rằng, đầu tiên, giá khí cung cấp cho các nhà máy phân bón trong nước được tính theo giá dầu FO Singapore (đang có xu hướng giảm).
Trong khi đó, giá urê trung bình 8 tháng năm 2022 cao hơn 60% so với trung bình cả năm 2021, trong khi con số này đối với dầu FO Singapore chỉ là 38%. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất phân urê đang có lợi thế chi phí đầu vào rẻ hơn.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu cao đang khiến hàng loạt nhà máy phân bón ở khu vực này phải cắt giảm sản lượng, khởi đầu là các nhà máy sản xuất phân bón ở Ba Lan ngừng hoạt động, sau đó đã lan rộng ra toàn khu vực với các doanh nghiệp hàng đầu như Achema, Yara và Borealis”, chuyên gia chỉ rõ.
Do đó, theo lãnh đạo VFA, châu Âu sẽ tranh giành nguồn cung cấp các sản phẩm đạm từ khắp nơi trên thế giới để có được khối lượng mà họ cần cho sản xuất.
“Trong khi đó, Nga, cường quốc số 1 về xuất khẩu phân bón thế giới đang tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với urê trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022”, ông chỉ rõ các lợi thế cho xuất khẩu phân bón Việt Nam.
Thậm chí, mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 (so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022).
Xuất khẩu phân bón Việt Nam có thể đạt mốc cả tỷ đô la
Theo quan điểm của ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VinaCam, nhà nhập khẩu và cung ứng phân bón, cho rằng quý 3 xuất khẩu phân bón Việt Nam tăng là vì trong nước đang ở mùa thấp điểm sử dụng phân bón.
Theo ông Hải, trong khi giá thế giới tăng thì khuyến khích cho doanh nghiệp xuất khẩu là tốt. Tuy nhiên, đến tháng 11, miền Nam vào vụ, tháng 12 và tháng 1 năm sau ở miền Bắc sẽ cần dùng nhiều phân bón.
“Nếu không có biện pháp điều hành thì nguy cơ mất cung cầu, nông dân Việt Nam "ăn đủ" vì giá lại tăng cao”, Tuổi trẻ dẫn lời ông Hải lưu ý.
Theo lãnh đạo VinaCam, Nhà nước là đơn vị quản lý vĩ mô, cần có chính sách điều tiết mang tính chất dài hơi, đồng thời, nên có mức thuế xuất khẩu linh hoạt.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, phân urê hiện nay là mặt hàng được quản lý về giá, có chi phí biến đổi lợi nhuận và kế hoạch. Ví dụ dự kiến giá urê 10.000 - 15.000 đồng/kg, nếu giá bán trong nước lên đến 13.000 đồng/kg, xuất khẩu 10.000 đồng/kg thì xuất khẩu ra đánh thuế 5%, còn nếu xuất với giá lên 12.000 - 13.000 đồng/kg thì tỉ lệ % thuế cũng cao lên.
Điều này, theo ông Hải, doanh nghiệp sản xuất vẫn có lợi nhuận nhưng lại "hãm" xuất khẩu, tăng nguồn cung trong nước, để không hỗn loạn và kiểm soát được giá, không mang tính chất "bóp" nhà sản xuất.
Theo ông Hải, trong nước vào mùa thấp điểm, không tiêu thụ được phải xuất đi.
“Cần khuyến khích xuất khẩu chứ doanh nghiệp "chết" mà đánh thuế xuất khẩu thì lại không đúng”, ông Vũ Duy Hải nói.
Đại diện Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định (đơn vị có nhà máy phân bón tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) dù không xuất khẩu phân bón, nhưng nhìn nhận dưới quan điểm cá nhân cho rằng giai đoạn trước không đồng tình xuất khẩu, nhưng năm 2022 nguồn cung tốt nên việc xuất khẩu cũng tốt.
Lý giải đây là cơ chế thị trường cung cầu và để nó đi theo cơ chế thị trường là hợp lý nhất.
“Mình đang thiếu USD, doanh nghiệp xuất khẩu được giá đem USD về cũng tốt, đó là quan điểm kinh doanh”, vị này nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, dòng phân bón vẫn sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, tăng trưởng mạnh so với quý III/2021 nhờ giá urê ở mức cao.
Cụ thể, giá phân urê trong nước đang cao hơn khoảng 25 - 30% so với quý III/2021, tương tự xu hướng thế giới.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tin tưởng, năm 2022 này, ngành xuất khẩu phân bón Việt Nam có thể lần đầu tiên lập kỷ lục vượt mốc 1 tỷ USD, đem lợi thế về cho lĩnh vực sản xuất quan trọng này của nền nông nghiệp nước nhà.