Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, "ngân hàng đang rất khát vốn" và lo ngại, “nếu chậm một nhịp nữa, ngân hàng sẽ rất khó khăn trong đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn”.
Sẽ xem xét tăng vốn cho Agribank
Sáng 13/5, kết luận phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội sẽ xem xét việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) thêm 17.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết, để đủ điều kiện tăng vốn, Quốc hội đề nghị Chính phủ thuyết minh rõ hơn phương án tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo khả thi nguồn bổ sung, cũng như đánh giá tác động tới cân đối ngân sách để xây dựng dự toán năm 2024 trình Quốc hội bố trí số vốn còn lại (hơn 10.300 tỷ đồng).
"Dự thảo các nội dung trình Quốc hội xem xét cần nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, Agribank trong cấp, bổ sung vốn điều lệ sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư", ông Hải nói.
“Cơ quan soạn thảo thuyết minh kỹ càng, thuyết phục hơn, đánh giá kỹ tác động đến cân đối ngân sách, cân đối nguồn thu, tháo gỡ các vướng mắc để tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng Agribank”, ông Hải bổ sung thêm.
Trước đó, trình bày tờ trình Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết vốn bổ sung cho Agribank sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt hơn 6.700 tỷ đồng. Hơn 10.300 tỷ đồng còn lại được bố trí từ ngân sách Nhà nước và sẽ chuyển cấp trong năm 2024.
Mức vốn 17.100 tỷ đồng đề nghị bổ sung cho Agribank lần này tương ứng với mức lãi còn lại sau trích lập các quỹ của 3 năm (2021-2023) mà ngân hàng này nộp ngân sách.
Phó thống đốc Đoàn Thái Sơn thông tin, trong 5 năm qua, tốc độ tăng vốn điều lệ của Agribank thấp hơn mức tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn tối thiểu (CAR) giảm, không đáp ứng được mức quy định.
Đến cuối năm 2022, quy mô vốn điều lệ của Agribank chỉ đạt 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước, thậm chí còn thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank (gần 35.200 tỷ), MB (hơn 45.300 tỷ), VPBank (hơn 67.400 tỷ đồng).
Việc bổ sung vốn lần này, nếu được phê duyệt, sẽ giúp Agribank bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%), mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
"Nếu Agribank không được tăng vốn sẽ không đảm bảo vai trò chủ lực, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn", ông Sơn lưu ý.
Bảo đảm tăng vốn phải đúng luật
Về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tính khả thi của việc tăng vốn trong bối cảnh kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
"Thu ngân sách, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng", ông Thanh nói.
Ngoài ra, Chính phủ còn phải xác định nguồn bố trí còn lại của ngân sách (hơn 10.300 tỷ đồng), phương án xử lý nếu số nộp ngân sách của Agribank năm 2023 (trên 7.000 tỷ đồng) không đạt như dự kiến, cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn 8% sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu làm rõ đề nghị tăng vốn cho Agribank theo Luật Ngân sách Nhà nước hay Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69). Như vậy, lãnh đạo Quốc hội yêu cầu làm rõ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vốn bổ sung cho Agribank hay chỉ quyết định phần vốn từ nguồn ngân sách.
Theo Luật Ngân sách Nhà nước, dù chỉ chi ra một đồng thì Quốc hội cũng phải có nghị quyết để quyết định và phải có dự toán ngân sách. Trong khi đó, việc đầu tư bổ sung vốn cho ngân hàng hay tổ chức có vốn nhà nước thì lại thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Phát biểu giải trình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, việc bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank là theo Luật Ngân sách Nhà nước, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Phó thống đốc Đoàn Thái Sơn thông tin thêm, phần tăng vốn cho ngân hàng này đã có nguồn. Tuy nhiên, khi tăng vốn phải xây dựng phương án tăng vốn cho 3 năm (2021-2023) và mức tăng vượt hạn mức, trên 10.000 tỷ đồng, nên phải trình Quốc hội xem xét, cho chủ trương để Chính phủ quyết định.
Sau khi có chủ trương từ Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định việc tăng vốn, thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định.
Về phần mình, Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, "ngân hàng đang rất khát vốn" và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét việc này để nhà băng có thêm nguồn lực.
"Nếu chậm một nhịp nữa, ngân hàng sẽ rất khó khăn trong đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn", ông Ấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết bà đồng tình việc bổ sung tăng vốn cho Agribank, nhưng lưu ý Ngân hàng Nhà nước sẽ phải rà soát thực trạng tài chính Agribank để bảo đảm tăng vốn đúng luật.
"Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm các lần bổ sung vốn trước đây cho các nhà băng có vốn Nhà nước, để làm rõ nguồn bổ sung, phương án phân bổ vốn hiệu quả", bà Dung nói.
Lần gần nhất Quốc hội đồng ý bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là vào năm 2020, với mức tăng 3.500 tỷ đồng. Con số này bằng với lãi sau thuế nhà băng sẽ nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng.
Năm 2022, Agribank báo lợi nhuận trước thuế hơn 22.000 tỷ đồng, qua đó đưa ngân hàng này lọt vào top 5 nhà băng lãi cao nhất hệ thống. Dư nợ tín dụng của Agribank đến hết năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng 9,8% so với đầu năm, trong khi huy động vốn chỉ tăng hơn 5%.