Theo ý kiến các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất trong quý 2/2023, và bản thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mới đây cũng tuyên bố, NHNN sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Việt Nam: Các ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất
Xuất hiện thêm một số ngân hàng thông báo giảm lãi suất huy động đợt tiếp theo, bước vào cuộc đua kéo lãi suất huy động về dưới 8%.
Điển hình, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố bảng lãi suất huy động mới nhất áp dụng cho khách hàng cá nhân với mức giảm từ 0,2-0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất tại quầy kỳ hạn từ 1-2 tháng được Vietcombank giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống mức 5,1%/năm. Riêng đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm từ 7,4%/năm xuống còn 7,2%/năm. lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng vẫn 5,5%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng vẫn 6,5%/năm.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng điều chỉnh giảm tương tự đưa lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng xuống còn 7%/năm thay vì 7,2%/năm như trước. Lãi suất các kỳ hạn từ 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và các kỳ hạn từ 3-5 tháng là 5,1%/năm.
Ngoài Vietcombank, Agribank, VPBank cũng vừa tiến hành thay đổi lãi suất niêm yết. Theo đó, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12/5 tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) niêm yết lãi suất cao nhất cho các kỳ hạn 12-13 tháng ở mức 8%/năm; kỳ hạn từ 15-36 tháng là 7,2%/năm. Các mức lãi suất hiện tại đã giảm 0,2%/năm so với thời điểm trước.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng có bước đi tương tự. Nhà băng này hạ lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên từ 0,1-0,2%/năm đưa mức lãi suất cao nhất về còn 7,8%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến.
Trước đó, một loạt ngân hàng khác như HDBank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank…cũng điều chỉnh giảm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã giảm 0,3%/năm đối với lãi suất huy động các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng, cao nhất còn 8,7%/năm.
Với các kỳ hạn 1-5 tháng, HDBank hiện đưa ra mức lãi suất kịch trần Ngân hàng Nhà nước cho phép là 5,5%/năm, áp dụng với cả kênh quầy và trực tuyến; tại kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất gửi tại quầy cố định 6,8%/năm và gửi trực tuyến là 6,9-8,3%/năm; ở kỳ hạn dài 18 tháng trở lên, các mức lãi suất với kênh quầy và trực tuyến lần lượt là 6,8-7%/năm và 6,9-7,1%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) giảm 0,2%/năm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) giảm từ 0,4-1,2%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên...
Ngân hàng Xây dựng (CBBank) giảm lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng, từ 9,7%/năm xuống 9,05%/năm; ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động của nhà băng này giảm từ 9,8%/năm xuống 9,15%/năm.
KienlongBank giảm 0,4% lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn. Với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất huy động hiện ở mức 7%/năm với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn dài hơn, lãi suất xoay quanh mức 7,6-7,75%/năm.
Ngân hàng nào có lãi suất cao?
Theo quan sát, tính đến thời điểm hiện tại, gần một nửa các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống dưới mức 8%/năm, thay vì mức tiệm cận 10%/năm như giai đoạn đầu năm nay.
Theo đó, mức huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất hệ thống hiện nay là 9,2%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với kỳ hạn 24 tháng. Tiếp sau là tại OCB với 9,1%/năm và HDBank với 9%/năm, khi gửi online kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Sau kỳ điều chỉnh này, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước vẫn thấp nhất thị trường, dao động từ 7-7,2%/năm; kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng dao động từ 5,8-5,9%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB tại quầy tháng 5 cũng có sự điều chỉnh mạnh ở nhiều kỳ hạn, không còn những mức lãi cao trên 8% như trước đó. Đối với tiền gửi trực tuyến, SCB niêm yết lãi suất cao nhất ở mức 7,85% với kỳ hạn gửi tiết kiệm 12 tháng.
Theo một số lãnh đạo ngân hàng, chuyên gia kinh tế, dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới vẫn còn nhưng Việt Nam cần tính toán hợp lý để vừa tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, tránh dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư rủi ro.
Trong báo cáo mới của mình, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm 50 điểm cơ bản so với mức đỉnh hồi tháng 1/2023.
Các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7%/năm trong năm nay bởi các lý do như nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.
“Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023”, VNDirect lưu ý.
Quan điểm của NHNN
Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành, huy động và liên ngân hàng trong thời gian gần đây đã phần nào tạo cho các doanh nghiệp sự kỳ vọng thời kỳ “tiền rẻ” sẽ quay trở lại.
Như Sputnik đã thông tin, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, phát biểu tại hội nghị “Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ” cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành.
“Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới”, Thống đốc nói.
Bà Hồng khẳng định, NHNN không có chủ trương thắt chặt tín dụng đồng thời sẽ tiếp tục nỗ lực trong điều hành lãi suất. Trong 4 tháng đầu năm nay, thanh khoản tại các hệ thống tín dụng đã được cải thiện, tỷ giá tương đối ổn định, NHNN đã có 2 lần giảm lãi suất điều hành.
“NHNN rất muốn giảm lãi suất điều hành, nhưng giảm đến mức nào và giảm như thế nào để phù hợp với kinh tế vĩ mô là điều quan trọng. Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất chậm lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, tỉ giá ổn định, NHNN sẽ cân nhắc, đánh giá các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành”, Thống đốc tái khẳng định.