Theo Thanh Niên, diễn đàn là dịp để các bộ trưởng ngoại giao các quốc gia EU và các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng chia sẻ, đánh giá về cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác giữa hai khu vực.
Diễn đàn do Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom và Phó Chủ tịch, Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh của Ủy ban Châu Âu Josep Borrell đồng chủ trì, với sự tham dự của 27 Bộ trưởng Ngoại giao/Trưởng đoàn các nước EU và 26 nước khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đại diện một số tổ chức quốc tế và các đối tác khác.
Ba chủ đề chính được thảo luận tại diễn đàn năm nay bao gồm thúc đẩy thịnh vượng bền vững và bao trùm; nắm bắt cơ hội phát triển xanh và vượt qua các thách thức toàn cầu; cục diện an ninh đang thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch, Đại diện cấp cao chính sách đối ngoại và an ninh của Uỷ ban châu Âu Josep Borrell khẳng định hòa bình, ổn định, thịnh vượng và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ảnh hưởng mật thiết đến lợi ích của châu Âu, do đó EU mong muốn tăng cường hiện diện, củng cố quan hệ đối tác với các quốc gia trong khu vực, cam kết đem lại các thành tựu hợp tác thực chất. Ông Josep Borrell kỳ vọng Diễn đàn trở thành kênh đối thoại thường xuyên, kết nối các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến sâu rộng, đây là diễn đàn quan trọng để EU và các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thảo luận làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, cùng định hình và thúc đẩy tầm nhìn chung về phát triển bền vững, bao trùm, và tự cường.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận định kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm chuyển đổi then chốt, từ tăng trưởng dựa trên số lượng sang tăng trưởng chất lượng, từ nền kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên sang nền kinh tế tri thức.
Trong quá trình hợp tác chuyển đổi và cùng đối phó với các thách thức toàn cầu, với 3 từ khóa "hợp tác, phối hợp và kết nối", các nước cần có cách tiếp cận phù hợp nhằm vượt qua khác biệt, đáp ứng nhu cầu của các bên, tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh 3 yếu tố "cân bằng" cần được bảo đảm.
Thứ nhất, cân bằng giữa nghĩa vụ và năng lực; theo đó, mục tiêu chung chỉ có thể đạt được khi các biện pháp thực thi được điều chỉnh phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của các quốc gia.
Thứ hai, cân bằng giữa tự chủ, tự cường và mở cửa, hội nhập, liên kết kinh tế. Các chính sách công nghiệp trong nước không được gia tăng bảo hộ và đóng cửa thị trường, mà cần tạo thêm cơ hội tái cấu trúc, đổi mới chuỗi cung ứng khu vực.
Thứ ba, cân bằng giữa chuyển đổi và ổn định. Quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phải bảo đảm bền vững về tài chính và ổn định xã hội, an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Các tiêu chuẩn môi trường không được trở thành rào cản thương mại và tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Điều kiện tiên quyết để chuyển đổi xanh thành công là cơ hội tiếp cận tài chính, công nghệ xanh, hiện đại và hỗ trợ kỹ thuật.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam đánh giá cao cam kết tài chính của các đối tác châu Âu về biến đổi khí hậu và mong châu Âu tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải.
Đồng thời, tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với quan hệ đối tác Á - Âu và đề nghị các quốc gia cùng phối hợp khôi phục các hoạt động của Diễn đàn Á - Âu (ASEM) vì hoà bình, hợp tác và phát triển.