Việt Nam: Không có chuyện ngân hàng sắp hết room tín dụng, cạn tiền

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh lên tiếng phản hồi về thông tin một số nhân viên tín dụng cho biết ngân hàng sắp hết room tín dụng.
Sputnik
Theo ông Lệnh, hoàn toàn không có chuyện các ngân hàng thiếu nguồn vốn để cấp tín dụng cho khách hàng ở thời điểm này. Room tín dụng tại các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào.

Không có chuyện ngân hàng sắp hết room tín dụng

Ngày 16 tháng 5, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh khẳng định, việc một số nhân viên tín dụng cho biết ngân hàng sắp hết room tín dụng là không chính xác.
"Room tín dụng tại các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, đủ đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế", - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định.
Room tín dụng chỉ hạn mức/giới hạn cho vay của một ngân hàng. Theo quy định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ công bố room tín dụng cho toàn ngành để quy định mức tăng trưởng tín dụng tối đa hàng năm. Việc quy định room tín dụng cũng giúp NHNN kiểm soát sự tăng trưởng và chất lượng của tín dụng cho cả hệ thống ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, thông tin cạn room tín dụng ở một số ngân hàng là không có cơ sở.
Cụ thể, hiện nay định hướng của Ngân hàng Nhà nước room tín dụng trong năm 2023 là 14-15%, hiện tăng trưởng tín dụng đã và đang chưa cao, chưa gây áp lực đến hạn mức tăng trưởng tín dụng.
"Vì vậy, hoàn toàn không có chuyện các ngân hàng thiếu nguồn vốn để cấp tín dụng cho khách hàng ở thời điểm này", - đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM nêu rõ.

Dư địa tín dụng còn lớn

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng trên địa bàn thành phố mới tăng gần 2%.
Do đó, dư địa tín dụng cho doanh nghiệp thành phố thời gian tới vẫn còn rất lớn.
Dù tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm, song chiều hướng đang có phần cải thiện và sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, khi hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế sôi động trở lại.
Quyết định "cân não" của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt
Ông Lệnh thông tin thêm, với cơ chế hỗ trợ lãi suất và Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ trực tiếp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình khai thác và sử dụng vốn vay ngân hàng hiệu quả, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tháo điểm nghẽn

Phát biểu tại tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển" do Báo Người Lao động tổ chức, ông Nguyễn Đức Lệnh thông tin thêm, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là hành động cụ thể trong việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được ngành ngân hàng thành phố đẩy mạnh triển khai.
Thông qua chương trình này, có 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ tín dụng, với quy mô đạt 453.070 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp.
"Gói tín dụng này có mức lãi suất hợp lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp gắn với việc tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp; trong đó gắn liền với chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất ưu đãi; cho vay hỗ trợ 2% lãi suất", - ông Lệnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, việc thực hiện giải ngân gói tín dụng này, với các tiêu chí đặt ra của chương trình sẽ tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trên nhiều góc độ từ chi phí, đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn và việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi.
Đến nay, chương trình đã giải ngân đạt 117.000 tỷ đồng, cho 31.492 khách hàng, bằng 25,8% gói tín dụng các ngân hàng đăng ký trong năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu giảm thêm lãi suất cho vay
Mặt khác, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các quận huyện và cấp thành phố theo các chuyên đề như cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hợp tác xã…, các ngân hàng cũng cam kết cho vay đạt 17.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi và giảm lãi suất cho vay.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, điều này đã góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm duy trì, phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh doanh nghiệp và kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu thụ và những tác động từ yếu tố khác có liên quan.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi, việc tăng cường chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp gắn với việc thực hiện chính sách lãi suất và cơ cấu lại nợ sẽ tạo chuyển biến tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, trả nợ vay ngân hàng khi gặp khó khăn về dòng tiền, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi các địa phương công bố các dự án.
Thảo luận