Quyết định "cân não" của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

© TTXVN - Bùi Doãn TấnUBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.05.2023
Đăng ký
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ quy định việc một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ vào diện được "can thiệp sớm".
Dự thảo đề xuất có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.

Cho phép Ngân hàng Nhà nước "điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng"

Tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 9/5, Thừa ủy quyền của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Dự thảo luật này có 13 chương, 195 điều.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu xây dựng luật này là có quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản, cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt. Đồng thời, có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, NHNN cũng tính đến việc tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
"Việc xây dựng Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước", - Thống đốc nói.
Đặc biệt, dự thảo cũng đề xuất có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.
Tại điều 191, dự thảo luật bổ sung quy định mới về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát. Ngân hàng Nhà nước được quyền "điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng" và "Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật".
Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với trách nhiệm cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước về điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng.
Mặt khác, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát để tương ứng với thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát.

"Can thiệp sớm" khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Tại Việt Nam, thời gian qua, vụ việc dân ồ ạt đi rút tiền khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB là "sự cố chưa từng có tiền lệ", đặt lãnh đạo NHNN vào những quyết định mang tính thời cuộc "cân não" giữa cuộc chiến tỷ giá, lãi suất, lạm phát tăng nóng bên cạnh việc trấn an dư luận, thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp ổn định tình hình.
Từ tháng 10/2022, xu hướng lãi suất, đồng đô la Mỹ tăng cao cùng sự cố Ngân hàng SCB đã tác động tiêu cực đến tâm lý, kỳ vọng và thanh khoản thị trường, tỷ giá tăng kịch trần, giao dịch thị trường gần như đóng băng, tâm lý găm giữ ngoại tệ dâng cao.
"Trước bối cảnh đó, NHNN đã cấp bách triển khai nhiều giải pháp để tập trung ưu tiên cải thiện thanh khoản", - Thống đốc từng phát biểu.
NHNN luôn kiên định mục tiêu điều hành chính sách nhằm "góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", nhưng tùy theo diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong từng thời điểm. Thực tế, từ tháng 10 khi sự cố SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, NHNN đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối. NHNN đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt và đang trình Chính phủ phương án tái cơ cấu lại nhà băng này.
Giải trình về nội dung can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể tổ chức tín dụng hôm nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích Việt Nam dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.05.2023
Tuyên bố thẳng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về trường hợp của Việt Nam
Trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank và Signature Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Dự thảo Luật nêu, tại Điều 144 quy định cụ thể các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi thuộc một trong các trường hợp sau: Xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước…
Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua. Quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.
"Một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm". Ngân hàng nào có lỗ luỹ kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này", - Thống đốc cho biết thêm.
Về quy định liên quan đến khoản vay đặc biệt, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp tổ chức tín dụng được vay đặc biệt trước và sau khi được kiểm soát đặc biệt để giải quyết kịp thời sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng thời gian qua.
Ngân hàng SVB của Mỹ phá sản  - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.03.2023
Ông Vương Đình Huệ dẫn chứng bài học từ cách Mỹ xử lý vụ Silicon Valley Bank
Bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt. Bổ sung quy định về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay đặc biệt, qua đó thêm công cụ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xử lý, cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Theo khoảng 6 Điều 146, tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây: Được vay tái cấp vốn với lãi suất 0%; các khoản cho vay đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0%; được nhận tiền gửi dài hạn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với lãi suất ưu đãi theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước…

Giảm tối đa sự hỗ trợ từ Nhà nước

Liên quan tới nội dung này, tại báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, can thiệp từ sớm là rất cần thiết.
Tuy nhiên, các quy định chưa thể hiện đúng bản chất của việc can thiệp sớm mà chủ yếu xử lý tình trạng tổ chức tín dụng đã gặp khó khăn rất rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống cần phải được hỗ trợ.
Ủy ban Kinh tế cũng nêu vấn đề, các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông hoặc thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước.
Ngoài ra, thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục can thiệp sớm trong dự thảo Luật là khá dài, kinh nghiệm xử lý các ngân hàng yếu kém của các nước trong thời gian qua cho thấy các quyết định xử lý phải được đưa ra và thực hiện nhanh chóng.
© TTXVN - Bùi Doãn TấnChủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.05.2023
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp, đồng thời cần bảo đảm nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng ngay từ sớm, giảm thiểu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong giai đoạn này.

Trách nhiệm của NHNN nếu không thu hồi được "khoản vay đặc biệt"

Về "khoản vay đặc biệt", theo Uỷ ban Kinh tế, đây là biện pháp cần thiết, nhưng cơ quan này thấy, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản vay này.
Vì vậy, cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt "là 0%".

"Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt", - ông Thanh cho biết.

Riêng trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế thấy các biện pháp nêu tại dự thảo luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ "bên ngoài" (chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước) mà chưa có những biện pháp "tự thân" của tổ chức tín dụng.
Đi kèm với hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước là quy định về việc được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại, làm hạn chế động lực phải khắc phục ngay khó khăn trước mắt cũng như có những giải pháp ổn định trong lâu dài của tổ chức tín dụng.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa nội dung này. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với việc triển khai các phương án với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала