Do đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia kiến nghị, cần có quy định về xử lý tài sản đảm bảo bị phong toả do liên quan đến vụ án như vụ SCB.
Nợ xấu tăng
Ngày 17 tháng 5, hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)”, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức đã diễn ra.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn dẫn báo cáo của NHNN cho biết, lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
“Tức trung bình khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng/tháng)”, - theo TS. Nguyễn Anh Tuấn.
Cùng với Luật các TCTD, ngày 15/8/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến cuối tháng 12/2022, VAMC đã xử lý ước đạt 276,5 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, gấp 4,9 lần so với tổng dư nợ gốc xử lý giai đoạn 2013 - 2016.
“Mặc dù, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng”, - chuyên gia lưu ý.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
“Rất đáng lo ngại”
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) chia sẻ, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.
Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, như mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.
Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).
“Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của NHTM gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng”, - ông Hùng cho biết.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực. Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, - lãnh đạo VNBA dự tính.
Từ vụ SCB, cần có quy định xử lý tài sản đảm bảo bị phong toả
Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho hay, hiện nay cũng đang bức xúc là nhiều tài sản đảm bảo của SCB đang nằm trong tay cơ quan công an, không thể mang ra bán được để giải quyết thanh khoản, trong khi Chính phủ phải bơm tiền vào để xử lý.
“SCB có thể không phải trường hợp cuối cùng nên phải có quy định về tài sản bảo đảm liên quan tới các vụ án xử lý như thế nào?”, - chuyên gia lưu ý.
Thu giữ tài sản đảm bảo đề nghị không cần có sự đồng thuận của chủ tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng phải thông báo cho chủ tài sản biết. Luật nên có quy định rõ ràng, giao ngân hàng thương mại tự chủ trong thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm. Khi phát mại tài sản bảo đảm cũng không cần có đồng thuận của chủ tài sản nhưng phải thông báo cho họ biết.
Tuỳ từng trường hợp, phải có thoả thuận giữa ngân hàng thương mại và chủ tài sản. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm trong bao lâu, không phải NHTM thu hồi rồi ngâm đấy đợi giá lên mới xử lý.
Bên cạnh đó, cần làm nổi bật tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các NHTM như cho phép họ xoá nợ. Thậm chí, hiện nay xoá nợ phải xin ý kiến NHNN và Chính phủ trong khi đây là việc bình thường của các ngân hàng nếu họ có đủ khả năng. Xoá nợ là cần thiết để làm sạch bảng cân đối tài sản.
Ông lưu ý, các ngân hàngở Việt Namchỉ nhắm vào đòi cả gốc và lãi trong hạn nên thị trường không phát triển được. Do đó, ông đề nghị quy định tăng quyền tự chủ của ngân hàng thương mại, tăng khả năng dùng biện pháp để tiếp cận thị trường mua bán nợ. VNBA có thể thành lập công ty mua bán nợ. Các luật chồng chéo với Luật Các TCTD là vô số. Nhiều trường hợp, bố mẹ ký tài sản đảm bảo nhưng con cái không ký. Khi thu giữ tài sản, luật sư bảo, chia tài sản thành 6 thành, 2 phần cho bố mẹ thì NHTM chỉ có thể ra về.
“Cần có quy định chủ hộ bao phủ cả con cái. Hay chuyện chữ ký giả. Con bịa chữ ký mẹ, lúc tới đòi phát hiện ra, hợp đồng tín dụng vô hiệu, ngân hàng mất trắng khoản nợ”, chuyên gia nhấn mạnh.
Việt Nam cần xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường
Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp IFC Việt Nam khuyến nghị, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi cần mở rộng quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các bên mua nợ xấu, thông qua việc cho họ được thế quyền trong các quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ xấu.
Hoặc ít nhất, cho phép bên mua nợ xấu được ủy quyền cho bên bán nợ xấu quản lý khoản nợ xấu, thu nợ, và nếu cần thiết, thu giữ tài sản bảo đảm hay phát mại thay mặt cho bên mua nợ xấu.
Ông Darryl Dong lưu ý, hiện nay, Luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Đây là lúc phất cờ xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường.
“Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình”, - ông Dong nói.
Theo ông, biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường.
Từ đó, chuyên gia đưa ra 2 khuyến nghị cho chương xử lý nợ xấu trong Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thứ nhất, Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu, thu hút vốn của các nhà đầu tư này. Hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán. Thực tế, cần phải cho các nhà đầu tư tham gia, ngành ngân hàng không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Việc mở cửa này cần được làm rõ, quy định rõ trong luật. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu. Đồng thời cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng. Các bên mua bán nợ xấu rất quan trọng, bên mua nợ xấu cần được kế thừa đầy đủ trách nhiệm quyền hạn với khoản nợ xấu được mua.
Thứ hai, xử lý tài sản bảo đảm - Dự thảo luật chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng, đây là một "nút chặn". Do đó, cần có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước. Điều này cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy một con đường, ngã rẽ có mục đích dành cho họ. Tất cả các khoản nợ xấu đều có thể đặt lên bàn để xử lý.
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu.
"Ở Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cần mở cửa thị trường. Các nhà đầu tư chỉ chuyên đầu tư, vì thế hãy mở một ngã rẽ cho nhà đầu tư vào đầu tư thị trường nợ xấu Việt Nam. Nếu chúng ta cho phép điều này, xây dựng khung pháp lý hiệu quả, công bằng, nhà đầu tư sẽ tới", - ông Darryl Dong tin tưởng.