Rút tiền hàng loạt ở SCB và ngân hàng Mỹ phá sản: Tuyên bố mới của Thống đốc
© Ảnh : SCBNgân hàng TMCP Sài Gòn
© Ảnh : SCB
Đăng ký
Sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10 năm 2022 cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ để lại bài học quản trị thanh khoản cho Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng tập trung hơn vào ổn định an toàn, cũng như đáp ứng thanh khoản cho người dân.
Kinh tế thế giới bất trắc
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 diễn ra trong sáng 3 tháng 4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục bất trắc.
Cơ sở để người đứng đầu NHNN đưa ra nhận định này là việc hàng loạt tác động từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina, sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ, châu Âu do rủi ro từ việc lấy vốn huy động ngắn hạn để đầu tư dài hạn, rủi ro khi Fed tăng mạnh lãi suất…
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sự bất ổn tài chính toàn cầu trước mắt chưa tác động lớn đến tài chính tiền tệ Việt Nam, nhưng NHNN vẫn phải theo dõi sát vì thị trường biến động sẽ tác động đến dịch chuyển vốn giữa các nền kinh tế.
Lạm phát các nước đã qua đỉnh nhưng theo người đứng đầu NHNN, hiện vẫn còn cao.
“Mặc dù chính sách tiền tệ của các nước điều chỉnh đã giảm bớt sự thận trọng nhưng vẫn đang theo hướng kiểm soát lạm phát”, bà Hồng nói và lý giải xu hướng này làm ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng và đầu tư của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thương vụ 1,5 tỷ USD nói lên niềm tin vào Việt Nam
Điểm lại tình hình kinh tế trong nước, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, theo Thống đốc cũng là khó khăn chung của các nước - tăng trưởng thấp.
Tuy nhiên, điểm tích cực là lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát ở mức 4,18%. Thống đốc NHNN đánh giá, đây là thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân không gặp khó khăn trong vấn đề giá cả.
“Ở trong nước, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định dù thị trường tài chính biến động, tình trạng một số ngân hàng trên thế giới sụp đổ”, Thống đốc khẳng định.
Đáng chú ý, riêng trong quý I/2023 có diễn biến đáng chú ý, Tập đoàn SMBC đã có giao dịch trị giá 1,5 tỷ USD mua 15% vốn của một ngân hàng (cụ thể là VPBank- như Sputnik đã thông tin trước đó).
Điều này, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - cho thấy nhà đầu tư vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và “những khó khăn chỉ là tạm thời trước mắt”.
Phân tích thêm về lý do tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, Thống đốc NHNN cho rằng, nguyên nhân từ phía cầu, cụ thể là cầu xuất khẩu tác động chủ yếu khiến GDP tăng thấp.
Về đầu tư, đầu tư FDI giảm, giải ngân giảm 2,2%, trong khi cùng kỳ tăng 7,8% cho thấy cầu về đầu tư giảm. Giải ngân đầu tư công quý I đạt 10,3% so với kế hoạch; ngân sách bội thu; tiêu dùng tăng thấp; lạm phát cơ bản bình quân quý I tăng 5,01%.
“Đối với điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh như vậy, cũng như ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, NHNN Việt Nam đang phải đối mặt, chịu rất nhiều áp lực, vừa điều hành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ, ngoại hối…”, Thống đốc bày tỏ.
Bài học từ vụ SCB và sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ
Thông tin tại phiên họp, Thống đốc cho hay, trong quý I/2023, NHNN đã điều tiết, mua 4 tỷ USD đồng nghĩa bơm tiền ra, giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản.
Thêm nữa, sau Tết, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng khá cao. Người đứng đầu NHNN cũng đề cập đến bài học thanh khoản hệ thống sau sự kiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB và một số nhà băng Mỹ phá sản.
“Qua sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10 năm ngoái cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ với bài học quản trị thanh khoản, NHNN yêu cầu các ngân hàng tập trung hơn vào ổn định an toàn, cũng như đáp ứng thanh khoản cho người dân”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.
Trước đó, như Sputnik đưa tin, kể từ sau vụ bắt bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan dẫn đến nhiều tin đồn tiêu cực và người dân đổ xô ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và tháo gỡ khó khăn cho Ngân hàng SCB, qua đó đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đến nay, hoạt động của Ngân hàng SCB trong tầm kiểm soát và ổn định. Trong một tuyên bố mới đây, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo, trước diễn biến bất lợi và cấp bách xảy ra ở Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai các giải pháp nhằm ổn định tâm lý thị trường và ổn định hệ thống. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã lập ngay ban kiểm soát để kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng SCB.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và tháo gỡ khó khăn cho Ngân hàng SCB, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến nay, hoạt động của Ngân hàng SCB trong tầm kiểm soát và ổn định.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “Đến nay Ngân hàng SCB vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện kiểm soát đặc biệt. Tiền gửi của người dân vẫn được bảo vệ”.
Điều tiết tiền tệ gỡ vướng cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu
Về tín dụng, Thống đốc NHNN cho biết, hết quý I đã tăng 2,06%, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của một số năm trước, ngoại trừ năm ngoái.
“Hiện nay, NHNN đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tín dụng thông qua giải pháp điều tiết tiền tệ, trong đó có đề xuất giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ”, Thống đốc Hồng nói.
Về lãi suất, Thống đốc cho biết, năm ngoái lãi suất đã tăng cao nhưng từ đầu năm đến nay NHNN đã thực hiện các giải pháp và mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng giảm. Vào cuối tuần trước NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 0,5-1%/năm trên cơ sở lạm phát âm, Fed điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định.
Chia sẻ về định hướng giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành, Bộ Tư pháp để sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp để làm sao tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Nhà điều hành cũng khẳng định quyết tâm tránh rủi ro từ bài học của ngân hàng SVB (Mỹ), để có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất, theo Thống đốc Hồng, NHNN cũng đã họp với các bộ, ngành liên quan và thống nhất “không sửa Nghị định 31 và đang xem xét vấn đề chuyển nguồn”.
Kiến nghị tổng thể giải pháp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp theo nguyên tắc “vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, và khi xử lý cần cân nhắc thận trọng các rủi ro”.
“Đối với hai thị trường đang gặp khó khăn là bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, qua trao đổi với IMF, NHNN cho rằng các bộ, ngành có thể cân nhắc kiến nghị của tổ chức này, đó là các bộ, ngành khó có thể đánh giá các dự án bất động sản, nên cần bên thứ 3 như kiểm toán, để các dự án nào khó khăn tạm thời thì có giải pháp hỗ trợ”, theo Thống đốc.
Ngoài ra, IMF cũng khuyến nghị thực hiện các giải pháp cần tránh rủi ro đối với bảng cân đối tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là từ bài học của Mỹ phải kiểm soát thị trường trái phiếu, bất động sản bởi kỳ hạn thị trường trái phiếu và bất động sản có kỳ hạn dài, khối lượng tiền lớn.