Đồng tiền giao dịch chính trong tháng 4 là USD với tỷ lệ 83,95%. Tuy nhiên đồng tiền Mỹ đang xấp xỉ mức thấp nhất trong nhiều năm: tỷ lệ dưới 84% chỉ được ghi nhận hai lần trước đó - vào tháng 3/2023 ở mức 83,71% và tháng 12/2017 ở mức 83,52%.
Ở vị trí thứ hai là đồng euro, có tỷ trọng vào giữa mùa xuân tăng nhẹ lên 6,54% từ mức 6,41% trong tháng 3. Chốt tốp ba đồng tiền hàng đầu là nhân dân tệ, đồng tiền này đã tăng 0,22 điểm phần trăm trong tháng. Ngược lại, tỷ trọng của đồng yên Nhật lại giảm, cụ thể là giảm 0,35 điểm phần trăm xuống còn 1,41%.
Các đồng tiền còn lại chiếm chưa đến 1% trong thanh toán thương mại quốc tế, tốp 10 còn có đồng baht Thái Lan, đồng rial của Ả Rập Saudi, đồng rupiah của Indonesia, dirham của UAE, đồng Việt Nam và đồng bảng Anh.
Vào tháng 4, Nga vẫn là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới về thanh toán ra nước ngoài bằng nhân dân tệ thông qua SWIFT: vào cuối tháng, nền kinh tế Nga chiếm 2,83% tổng số thanh toán bằng nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc. Đứng trong tốp 5 còn có Hong Kong (73,23%), Anh (4,9%), Singapore (3,84%) và Mỹ (2,46%).
Vài năm trước, SWIFT là hệ thống chính để xử lý các giao dịch thanh toán - hầu như tất cả các giao dịch ngân hàng trên thế giới đều thông qua hệ thống này. Tuy nhiên vào năm 2014 khi các nước phương Tây lần đầu tiên đe dọa ngắt kết nối của Nga vào SWIFT thì các giải pháp thay thế bắt đầu hình thành. Ở Nga, đó là Hệ thống truyền thông điệp tài chính, ở Trung Quốc là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới. Ấn Độ cũng có hệ thống chuyển tiền riêng.