Kể từ bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam năm 1998, loài vật này được cho là đã "biến mất" trong tự nhiên ở Việt Nam được 25 năm. Nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu thậm chí cho rằng, hổ đã thực sự tuyệt chủng, không còn sinh sống ở môi trường hoang dã của Việt Nam.
Làm rõ thông tin có hổ xuất hiện ở vườn cao su sát rừng
Ngày 17/5, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết đã gửi văn bản đến Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn xử lý thông tin động vật hoang dã xuất hiện ở lô cao su sát rừng và khu dân cư.
Theo đó, cơ quan này đề nghị các đơn vị nghiên cứu áp dụng quy định về "xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản con người" tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22.9.2021 của Chính phủ) để xử lý, với phương thứ chủ yếu là xua đuổi, bảo vệ.
Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng đề nghị Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ thông tin có hay không việc loài động vật hoang dã, nghi là hổ, xuất hiện trên lâm phần do Công ty Cổ phần Cao su Bảo Lâm quản lý, tránh gây hoang mang dư luận.
Trước đó, khoảng 5h30 phút ngày 8/5, trong khi đang bốc mủ cao su ở lô 144, tiểu khu 373, một công nhân Công ty Cao su Bảo Lâm phát hiện con thú nặng khoảng trên 200kg đang di chuyển.
Từ khoảng cách 15m, người này thấy con thú có màu xám, hình thù giống hổ, đang di chuyển về phía đám lồ ô ven suối, qua rừng quản lý bảo vệ của công ty.
Vụ việc sau đó được báo cáo lên Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm. Lập tức, cơ quan này đã phối hợp các đơn vị liên quan và công nhân nói trên kiểm tra hiện trường.
Theo đó, mọi người phát hiện một số dấu chân, nhưng do trời mưa nên chưa xác định được dấu chân của loài động vật nào. Tại vị trí có cây cỏ bị đè xẹp nghi là chỗ nằm nghỉ của loài thú này, nhà chức trách phát hiện và thu thập một số mẫu lông con thú để lại.
Trong thời gian chờ xác minh các mẫu lông thu được, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đề nghị Công ty Cao su Bảo Lâm và UBND xã Lộc Bảo thông báo cho người lao động và người dân khu vực liền kề cảnh giác, giữ khoảng cách an toàn, nếu phát hiện động vật hoang dã nói trên phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, trấn an người lao động, người dân không hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất; đồng thời, có biện pháp bảo vệ các loài động vật hoang dã, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng săn bắt trái phép.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, hiện Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành lắp đặt bẫy ảnh ở khu vực rừng cao su nói trên để theo dõi.
Trước đó, hồi tháng 2/2023, UBND xã Pró (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cũng có văn bản gửi đến Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương đề nghị xác minh và có hướng xử lý về tình hình thú lạ xuất hiện, ăn thịt nhiều trâu, bò, gà trên địa bàn (xã ghi nhận có nhiều dấu chân thú lạ tại hiện trường) khiến người dân lo sợ.
Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương sau đó đã có văn bản đề nghị Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng vào cuộc xác minh, định danh loài động vật rừng để có phương án xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện tình trạng tương tự xảy ra trên địa bàn.
Không còn hổ tự nhiên ở Việt Nam?
Hổ là loài động vật hoang dã nguy cấp trên phạm vi toàn cầu, do đó các giải pháp về hoàn thiện pháp luật đã được đề ra ở cả góc độ pháp lý quốc tế lẫn pháp luật của từng quốc gia, tại nhiều quốc gia, hổ đã được pháp luật của các nước có hổ phân bố ngoài tự nhiên và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) bảo vệ.
Năm 2010 Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đưa hổ vào vị trí hàng đầu trong danh sách những loài động vật bị đe dọa.
Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), hiện nay chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn sống trên hành tinh. Số lượng hổ giảm tới 95% trong vòng một thế kỷ qua, WWF đưa hổ vào vị trí hàng đầu trong danh sách những loài động vật bị đe dọa.
Tại Việt Nam, tổ chức WWF cho rằng, chỉ có khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên (tính đến năm 2016).
Tuy nhiên, trên thực tế, con số này chỉ mang tính chất dự đoán, bởi tại thời điểm đó đã không còn ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào về loài hổ xuất hiện trong tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1998, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).
Giám đốc về loài của WWF-Greater Me Kong Thomas Gray từng nêu quan điểm rằng, hiện không có số liệu cập nhật về sự xuất hiện của hổ tại Việt Nam, khả năng cao loài này đã tuyệt chủng ở Việt Nam.
Để bảo toàn loài hổ, ngày 16/4/2014, Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn sinh cảnh và con mồi của hổ, hạn chế sự suy giảm, từng bước phục hồi và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 như đã cam kết trong Hội nghị Thượng đỉnh về hổ năm 2010.