Hậu SCB-Vạn Thịnh Phát, Chứng khoán Tân Việt TVSI bị kiểm soát đặc biệt

Ủy ban Chứng khoán vừa quyết định đưa Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Sputnik
Nguyên nhân Chứng khoán Tân Việt bị kiểm soát đặc biệt là do báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính ngày 31/12/2022 do công ty này lập không được kiểm toán.
Tuần này, Ủỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xử phạt một doanh nghiệp gần 900 triệu đồng do mua, bán chui cổ phiếu.

Việt Nam đưa Chứng khoán Tân Việt TVSI vào diện kiểm soát đặc biệt

Theo thông báo mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 18/5 đến ngày 17/9. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Lý giải về quyết định đưa Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nguyên nhân là do báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính ngày 31/12/2022 do TVSI lập không được kiểm toán.
Theo Thông tư 91/2020 của Bộ Tài chính, trong thời hạn tối đa 7 ngày kể từ ngày Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải gửi báo cáo chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục.
Như vậy, trong thời hạn tối đa 7 ngày, Chứng khoán Tân Việt cần báo cáo chi tiết về thực trạng tài chính, tình hình cụ thể của doanh nghiệp lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Novaland có quan hệ gì với Vạn Thịnh Phát?

TVSI, SCB và Vạn Thịnh Phát

Chứng khoán Tân Việt được tthành lập năm 2006 với số vốn điều lệ là 55 tỷ đồng, sau 4 lần tăng vốn đến tháng 6/2021 TVSI đã chính thức hoàn thành tăng vốn điều lệ lên mức 2.639 tỷ đồng.
TVSI cung cấp các dịch vụ môi giới chứng khoán, dịch vụ tài chính cho khách hàng giao dịch chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư; dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp. Đơn vị tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu và tham gia tư vấn nhiều hoạt động khác.
Như đã biết, Chứng khoán Tân Việt TVSI cũng là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông – trực thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan (đã bị bắt hồi tháng 10/2022).
Trong khi đó, ngân hàng SCB là đơn vị đã giới thiệu đến những khách hàng có nhu cầu sản phẩm trái phiếu do Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) là đại lý lưu ký, đại lý thanh toán.
Cơ quan điều tra xác định, bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018-2019. Đặc biệt, trong số các bị can bị bắt có ông Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đột ngột qua đời vào tối ngày 6/10/2022. Ông Thành đã giữ chức tổng giám đốc TVSI từ tháng 1/2016, đến tháng 5/2019 ông đảm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch HĐQT TVSI. Từ 4/2017, ông Thành còn là thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Bất ngờ vụ Vạn Thịnh Phát và SCB: Cựu cán bộ cấp cao Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố
Hồi tháng 1 năm nay, TVSI bị phạt 745 triệu đồng vì loạt sai phạm liên quan đến trái phiếu.
Trong các tuyên bố chính thức của mình, cả TVSI, SCB đều làm rõ mối quan hệ của đơn vị đối với Vạn Thịnh Phát, khẳng định hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và cam kết đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhà đầu tư.

TVSI bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như thế nào?

Trong thời hạn kiểm soát đặc biệt, tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chi trả cổ tức cho các cổ đông, chia lợi nhuận cho thành viên góp vốn, chia thưởng.
Đồng thời không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán...
Đặc biệt, trong thời gian này, tổ chức kinh doanh chứng khoán không được tham gia góp vốn thành lập công ty con, đầu tư bất động sản; hạn chế đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng.
Quy định nêu rõ, công ty chứng khoán chỉ được quản lý tiền giao dịch chứng khoán theo phương thức khách hàng của công ty chứng khoán mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán.
Động thái diều hâu của Fed ‘đánh trúng tâm lý’ giới đầu tư chứng khoán Việt Nam
Sau một tháng, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ thực hiện đình chỉ một phần hoạt động của công ty chứng khoán thành viên. Việc đình chỉ sẽ kết thúc khi công ty chứng khoán được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt.
Trường hợp công ty chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt nếu tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó, kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán.
Nếu hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Sau 6 tháng tiếp theo, Ủy ban Chứng khoán sẽ ra quyết định rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán.

Công ty Thái Sơn bị cấm giao dịch chứng khoán 3 tháng

Trong tuần, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Giải pháp Đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn) - quận Bình Thạnh, TP HCM.
Cụ thể, công ty Thái Sơn bị phạt tiền hơn 870 triệu đồng do không báo cáo cổ phiếu dự kiến giao dịch.
Quyết định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thể hiện, Công ty Thái Sơn - tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Duy Tân, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Điện lực (mã chứng khoán EIN) đã bán 1,5 triệu cổ phiếu EIN vào ngày 19/10/2022 và mua hơn 1,4 triệu cổ phiếu EIN vào ngày 21/10/2022 nhưng không báo cáo, công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Cùng với đó, Công ty Thái Sơn còn bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 3 tháng theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.
Thảo luận