Động thái diều hâu của Fed ‘đánh trúng tâm lý’ giới đầu tư chứng khoán Việt Nam
© Flickr / Tyler MerblerCục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ
© Flickr / Tyler Merbler
Đăng ký
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Thực tế, dù điều này đã được thị trường cùng nhiều chuyên gia dự báo, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn khá dao động trước các động thái “diều hâu” của Fed, nhất là khi lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang vẫn đưa ra thông điệp sẽ còn tăng lãi suất trong năm nay trước khi dừng lại với kỳ vọng kinh tế Hoa Kỳ “hạ cánh mềm”.
Trong nước, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, quyết định của Fed lần này sẽ tác động không lớn. Các nhà đầu tư mong chờ những chuyển biến thực tế từ tình hình vĩ mô của Việt Nam.
Động thái “diều hâu” của Chủ tịch Fed
Như đã biết, rạng sáng ngày 23/3 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, nâng phạm vi lãi suất lên mức dao động từ 4,75% đến 5%.
Cần lưu ý, đây đã là lần tăng lãi suất thứ 9 của Fed trong vòng một năm, qua đưa lãi suất đồng USD tại Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2007.
Mức tăng này cơ bản đã được thị trường dự báo và không đem lại bất ngờ đối với giới đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, bất ngờ lại xuất hiện ở thông điệp “diều hâu” mà Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau đó.
Theo đó, dù giới đầu tư kỳ vọng Fed vẫn tăng 0,25 điểm lần này, nhưng sẽ có thông điệp theo hướng “đây là lần tăng lãi suất cuối cùng và sẽ có thể hạ lãi suất vào cuối năm 2023”. Theo giới quan sát, thông điệp của Chủ tịch Jerome Powell lại mang hàm ý khác, không như mong đợi.
“Chúng tôi sẽ sử dụng "tất cả các công cụ" để giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng”, Chủ tịch Fed Powell giữ thái độ cứng rắn.
Chủ tịch Jerome Powell đưa ra phát biểu hàm ý rằng, Fed có thể đang tiến gần tới đoạn kết của chu kỳ thắt thặt, nhưng cuộc chiến chống lạm phát chưa thể sớm kết thúc. Có thể thấy, nhà lãnh đạo Fed đưa ra thông điệp vẫn khá cứng rắn, khi giảm lãi suất là chuyện không nằm trong kịch bản chính của Fed trong thời gian còn lại của năm 2023 và có thể tăng thêm một đợt nữa trước khi dừng lại.
“Các chỉ số truyền thống tập trung rất nhiều vào lãi suất và chứng khoán, và chúng không nhất thiết phải nắm bắt các điều kiện cho vay”, ông Powell lưu ý khi đề cập đến các lo ngại về khủng hoảng tín dụng, xảy ra khi loạt ngân hàng thắt chặt đáng kể các tiêu chuẩn cho vay, gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng.
Hiện vẫn còn quá sớm để nói cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ gây ra những ảnh hưởng gì, nhưng lãnh đạo ngân hàng trung ương kỳ vọng vẫn có thể "hạ cánh" nhẹ nhàng.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố quyết định tăng lãi suất sáng sớm ngày (23/3), theo giờ Việt Nam, cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm xuống mức thấp. Trong đó, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm tới 271,53 điểm, giảm 0,83%. S&P 500 và Nasdaq Composite bị kéo xuống lần lượt là 0,75% và 0,59%.
‘Đánh trúng’ tâm lý gợn sóng giới đầu tư chứng khoán Việt
Theo các chuyên gia, việc Fed tăng lãi suất không tác động nhiều tới thị trường chứng khoán Việt Nam và nếu có cũng chỉ là tác động tâm lý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trong nước chưa có những thông tin tích cực đủ mạnh, nhà đầu tư vẫn ngóng đợi những thông tin của Fed vì sự ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, việc lãnh đạo Fed vẫn giữ quan điểm chưa thể dừng quá trình tăng lãi suất chắc chắn sẽ còn khiến nhà đầu tư duy trì sự thận trọng.
Không chỉ thị trường Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận mức giảm mạnh đầu phiên sáng sau khi Fed tăng lãi suất, dù kết phiên lội ngược dòng thành công và đóng cửa tăng nhẹ.
VN-Index tăng 4,56 điểm trong phiên 23/3, nhưng dòng tiền trong nước vẫn suy giảm, điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư nội vẫn còn thận trọng.
Sức ép từ việc Fed tăng lãi suất lên chứng khoán Việt Nam không còn lớn
Theo bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS) chia sẻ với Thời báo Tài chính, chuyên gia này kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đảo chiều chính sách vào cuối năm để tránh gia tăng sức ép tới hệ thống ngân hàng và môi trường sản xuất kinh doanh.
Trong nước, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế khiến các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động.
“Tuy chưa nhiều, nhưng lãi suất cho vay với những khoản mới phát sinh cũng đã giảm tương ứng. Xu hướng hạ nhiệt trên là tất yếu và sẽ còn tiếp diễn”, bà Thùy Linh chỉ rõ.
Chuyên gia của ABS nhấn mạnh, để giúp lãi suất giảm về mức có thể giúp đông đảo doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, cần thêm giải pháp từ các bộ ngành khác để tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp...
Do đây vấn đề tác động tới thanh khoản, nợ xấu, chi phí vốn của hệ thống ngân hàng.
“Khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, VN-Index sẽ đón nhận nhiều tin tốt và kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường mạnh mẽ”, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS) nói.
Đối với diễn biến thực tế, bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh cho rằng, hiện tại thị trường chứng khoán trong nước đang có lực đỡ từ khối ngoại, hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và nâng đỡ chỉ số VN-Index.
“Do đó, chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn, nếu VN-Index giữ được vùng giá 980 - 1.000 điểm, có thể kỳ vọng vào 1 nhịp hồi phục tăng lên 1.140 - 1.160 điểm như ABS đã dự báo từ đầu năm”, chuyên gia của ABS cho hay.
Xét về triển vọng trung hạn, các chính sách điều hành và hỗ trợ của Chính phủ sẽ có vai trò rất lớn đến dòng tiền của thị trường.
“Chúng tôi cho rằng, để VN-Index có thể tạo đáy dài hạn, cần có dòng tiền lớn và chính sách mang tính bước ngoặt từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành”, đại diện ABS thẳng thắn.
Kênh đầu tư hấp dẫn
Như Sputnik đã đưa tin, trong báo cáo vĩ mô mới đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nêu quan điểm, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể sẽ tiếp tục biến động trong những tuần tới do hậu quả sự sụp đổ của ngân hàng SVB và việc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ hỗ trợ Credit Suisse.
Tuy nhiên, VinaCapital vẫn kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, một phần là do đã tính đến nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” của người tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu đang chững lại. Chuyên gia của VinaCapital kỳ vọng rằng điều này sẽ được bù đắp phần lớn từ lượng khách du lịch nước ngoài quay trở lại Việt Nam.
Ông Kokalari cũng cho rằng, thị trường có thể sẽ lắng xuống khi nhà đầu tư tin tưởng vào quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách trong việc ngăn chặn những vấn đề mang tính hệ thống trong ngành ngân hàng. VinaCapital cũng kỳ vọng sự sụt giảm nhanh chóng của lãi suất ở Mỹ /toàn cầu sẽ hỗ trợ cho đồng VND tăng giá, giúp NHNN tích lũy lại dự trữ ngoại hối trong năm nay.
Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể sẽ tiếp tục biến động trong những tuần tới do hậu quả của sự sụp đổ SVB và việc Thụy Sĩ hỗ trợ Credit Suisse.
“Thị trường cũng đang dự đoán Fed sẽ “quay đầu” sau đợt tăng lãi suất mạnh, sẽ khiến các tài sản rủi ro hấp dẫn hơn. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng Việt Nam hạ lãi suất, thị trường chứng khoán theo đó trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư”, đại diện VinaCapital nhấn mạnh.