Chuyên gia khuyến nghị, trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước chưa thể thả nổi tỷ giá, việc điều hành tỷ giá cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh những cú sốc trong bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô chưa ổn định.
Việt Nam giữ tỷ giá ổn định, sức mạnh của VND được củng cố
Trong năm 2022, các diễn biến phức tạp trên thị trường đã tác đặt ra các thử thách chưa từng có trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước (NHNN).
Từ những biến động khách quan trên thị trường quốc tế như ảnh hưởng từ chiến tranh và các quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đến các diễn biến phức tạp đột biến như vụ việc của ngân hàng SCB đã khiến tâm lý và thanh khoản thị trường bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã có những biện pháp cấp bách, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Bằng chứng là, thị trường ngoại tệ đã dần được ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp lý được đáp ứng đầy đủ, đảm bảo nền kinh tế vận hành thông suốt. “Vũ khí tiền tệ” đã được NHNN phát huy hiệu quả.
Đáng chú ý, như Sputnik đã thông tin, từ đầu năm 2023, NHNN đã bổ sung 6 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối bằng các biện pháp điều hành thị trường mở.
NHNN đã gia hạn các giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn với tổng giá trị 3.99 tỷ USD với các tổ chức tín dụng, đồng thời các tổ chức này cũng huỷ mua 1.74 tỷ USD từ NHNN. Từ đó góp phần đưa ra và để lại lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng. Ngoài ra, NHNN cũng không trì hoãn việc hút nội tệ về.
Thêm nữa, thị trường ngoại tệ chứng kiến nguồn cung dồi dào từ dòng vốn FDI, các thương vụ bán vốn, giải ngân các khoản vay ngoại tệ, thặng dư thương mại.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại hầu như không có biến chuyển lớn, dao động quanh mốc 23.450 VND/USD. Đó là một trong các yếu tố quan trọng để NHNN quyết định nâng dự trữ ngoại hối lên 91 tỷ USD.
So với diễn biến của nhiều đồng tiền khác, tình hình của VND hoàn toàn trái ngược. Theo nhiều chuyên gia, biến động tỷ giá USD/VND trên 3% là có thể chấp nhận được.
TS. Cấn Văn Lực dự báo VND và các đồng tiền khác tăng giá trở lại vào nửa cuối năm 2023 đến từ tình hình kinh tế Mỹ hồi phục chậm và FED sẽ không tiếp tục động thái tăng mạnh lãi suất như thời gian qua. Nhiều khả năng đến hết năm 2023, VND sẽ tăng giá 0.7-0.8% so với đồng USD, nhờ đó cả năm chỉ mất giá 0.5-1%
Lạm phát và vai trò điều hành của Ngân hàng nhà nước
Hiện nay, sau nhiều năm mở cửa, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, lên đến trên 200%.
Do đó, nếu để tỷ giá ngoại tệ biến động quá lớn, sẽ xảy ra tình trạng “nhập khẩu lạm phát”, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Vậy nên, giữ ổn định tỷ giá trở thành nhiệm vụ quan trọng, nói cách khác, cần có một điểm cân bằng tốt giữa tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
“Nếu “hy sinh” tỷ giá thì với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nhập khẩu lạm phát, đẩy lạm phát tăng cao, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Hiện lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát”, - TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định.
Nhờ các biện pháp kịp thời của NHNN và các chỉ đạo của Chính phủ, cho đến nay, lạm phát vẫn đang ở mức thấp. Kết hợp với điều hành tỷ giá hài hoà, hợp lý, sẽ giúp giảm sức ép tăng lãi suất, giữ ổn định giá thành nguyên liệu nhập khẩu.
Thực tế, dù NHNN đã 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành, nhưng dự đoán vào sự phục hồi của xuất khẩu và công nghiệp trong 2 quý cuối năm, ngân hàng UOB đánh giá tỷ giá nhiều khả năng vẫn được giữ ổn định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, áp lực lạm phát dù đã giảm nhưng không thể chủ quan, bởi lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong 1/2023, trong khi lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương vẫn neo lãi suất ở mức cao. Nên đây sẽ là những rào cản cho nỗ lực giữ ổn định tỷ giá cũng như ổn định lạm phát.
Chính vì vậy, giữ ổn định tỷ giá được GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và nghiên cứu giảng dạy tại khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho là một trong “bộ ba bất khả thi”, cùng với tự do lưu chuyển vốn và tính độc lập của chính sách tiền tệ. GS. TS Tô Trung Thành khuyến nghị, trong dài hạn, khi theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu thì NHNN cần chuyển sang cơ chế quản lý tỷ giá linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khi khó có thể thả nổi tỷ giá, việc điều hành tỷ giá cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh những cú sốc trong bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô chưa ổn định.
Ở góc độ cơ quan điều hành, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài.
Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục nhấn mạnh đến mục tiêu và những giải pháp để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.