Bản Việt, MB, Sacombank, OCB và nhiều ngân hàng bị Kiểm toán Nhà nước điểm tên

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều ngân hàng đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, cho vay vượt hạn mức hoặc cho vay đối tượng không phù hợp tiêu chí, có trường hợp xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Sputnik
Điển hình như tỷ lệ nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Nam Á được báo cáo là 8,96%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 8,41% hay ngân hàng TMCP Bản Việt vượt trần tín dụng.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) gửi Quốc hội chỉ ra nhiều vấn đề trong hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Trước đó, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Theo kết quả kiểm toán, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 1,84%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Các ngân hàng được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.
Tuy nhiên Kiểm toán Nhà nước lưu ý, với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung (lĩnh vực bất động sản 15,37%, lĩnh vực chứng khoán 23,85%, lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp 17,65%).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về quyết định quan trọng đối với Agribank
Đặc biệt, tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%).
Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước trích dẫn đánh giá đánh giá của Ngân hàng Thế giới cảnh báo, tỷ lệ dư nợ tín dụng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Bản Việt, OCB tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD).
Cần lưu ý, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Điển hình, tổ chức tín dụng đã vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa được giao trong năm là Ngân hàng TMCP Bản Việt (được giao 13,48%, thực hiện 15,67%).
Ngoài Bản Việt, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm trong năm – tại 31/7/2021, 31/8/2021, 30/9/2021, 31/10/2021).

Xác định nợ xấu không đúng theo hướng dẫn của NHNN

Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhiều tổ chức tín dụng đã xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Các tổ chức này đã không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái…).
Nếu tính toán, xác định lại, Kiểm toán Nhà nước cho rằng một số tổ chức tín dụng không đạt được mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% như Ngân hàng TMCP Nam Á: 8,96%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín: 8,41%...
Hàng loạt ngân hàng Việt Nam có động thái mua lại trái phiếu trước hạn
Cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đầu tư 23,19 tỷ đồng từ năm 2011 vào CTCP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn và 17,5 tỷ đồng từ năm 2014 vào Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP nhưng chưa được chia cổ tức, đồng thời chưa thoái được vốn tại các công ty này theo phương án được phê duyệt.
Hay tại Ngân hàng Quân đội (MB), số dư khoản đầu tư trái phiếu vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy đến 31/12/2021 là 50 tỷ đồng, trích lập dự phòng 100%; đầu tư 33,96 tỷ đồng vào Công ty CP Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp), Công ty hoạt động không hiệu quả từ năm 2009 và lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 776 tỷ đồng.
Kế tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội còn nhiều trường hợp cho vay vượt hạn mức. Cụ thể, cùng một hộ gia đình nhưng có 2 người đứng tên vay vốn của cùng một chương trình: Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 8,08 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 5,11 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 1,67 tỷ đồng.
SCB không sụp đổ nhờ sự linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng cho vay đối tượng không phù hợp với tiêu chí của Chương trình cho vay giải quyết việc làm 114,72 tỷ đồng (đến thời điểm tháng 4/2022 đã thu hồi được 111,63 tỷ đồng).

“Điều này dẫn đến xác định số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước tăng thêm 0,97 tỷ đồng; có 478 khách hàng còn dư nợ chương trình cho vay nhà ở xã hội nhưng chưa gửi đủ tiền tiết kiệm hàng tháng tại hệ thống ngân hàng chính sách theo quy định”, báo cáo kiểm toán thể hiện.

Từng bước xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước cũng thông tin về kết quả kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Kết quả thực hiện Đề án đến hết năm 2020 cho thấy hoạt động của hệ thống ngân hàng cơ bản được kiểm soát an toàn; năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng được nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.
Thêm nữa, đã từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan; mô hình kinh doanh chuyển dịch dần từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ.
Tuy vậy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, còn một số tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện ảnh hưởng đến mục tiêu, kết quả Đề án như việc phê duyệt, ban hành Đề án, phương án cơ cấu lại còn chậm.
Một số tổ chức tín dụng chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện một số mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại.
Kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án, còn một số mục tiêu, giải pháp chưa hoàn thành. Đó là, chưa đưa được tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn, bền vững theo mục tiêu của Đề án là phấn đấu đạt dưới 3% (đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống 3,81%, nếu tính cả nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, thì tỷ lệ nợ xấu 7,43%); chưa đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường...; chưa hoàn thành việc xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát chưa đảm bảo trên cơ sở tập trung theo trọng yếu, rủi ro; tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập đã tăng, nhưng chưa đáng kể, không đạt mục tiêu; mạng lưới các tổ chức tín dụng phân bố chưa đồng đều, chưa bám sát theo mục tiêu định hướng của Chính phủ; kết quả thoái vốn không đạt kế hoạch; hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động quỹ tín dụng nhân dân và tài chính vi mô chưa hoàn thiện và đầy đủ.
Kiều hối ồ ạt đổ về Việt Nam
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện thanh tra chuyên đề việc thực hiện phương án cơ cấu lại đối với các tổ chức tín dụng; một số bộ, ngành chưa hoàn thành một số nhiệm vụ được giao tại Đề án.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp chưa làm rõ các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề ra các giải pháp để đẩy nhanh công tác thi hành án tồn đọng có liên quan; công tác đôn đốc thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật vẫn còn chậm...
Bộ Công an, đến thời điểm báo cáo, mới chỉ có 9/63 đơn vị công an địa phương (chiếm tỷ lệ 14%) phối hợp với tổ chức tín dụng để tổ chức 205 vụ thu giữ tài sản đảm bảo.
Bộ Tài chính chưa bố trí đủ nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020; chưa hoàn thành khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ; chưa xây dựng cơ chế tài chính đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.
Bộ Tài chính cũng chưa xử lý dứt điểm các vướng mắc về nghĩa vụ thuế phát sinh từ việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hoàn thành việc sửa đổi quy định tại Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nhận thế chấp là quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là các tổ chức tín dụng, việc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Thảo luận