Cụ thể, theo diễn biến của phiên toà, về dân sự, VKS nêu Công ty AIC (bị đơn dân sự) kháng cáo xin nộp khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án với số tiền 152 tỷ đồng. Tuy nhiên, VKS đề nghị bác kháng cáo này và buộc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 2 cựu phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga phải bồi thường.
Theo đó, trách nhiệm khắc phục 152 tỉ đồng thiệt hại sẽ thuộc về cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (103 tỉ đồng), Công ty AIC và 2 cựu Phó tổng giám đốc AIC mỗi bên 15 tỉ đồng.
Theo quan điểm của VKS, dù Công ty AIC tự nguyện bồi thường nhưng đơn vị này không còn tài sản đảm bảo để thi hành án. Vì vậy, bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty AIC, buộc công ty này bồi thường 15 tỉ đồng là hợp lý.
8 bị cáo bỏ trốn gồm bà Nhàn, ông Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc Công ty AIC) và 6 người còn lại được các luật sư kháng cáo thay. Tuy nhiên, ở phần thủ tục, HĐXX đã bác toàn bộ kháng cáo của những người bào chữa.
Theo VKS, 6 bị cáo đều thừa nhận sai phạm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và kháng cáo mong xem xét lại hình phạt. Trong đó, ông Phan Huy Anh Vũ đã được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, nộp lại tiền nhận hối lộ. Quá trình phúc thẩm, bị cáo tác động gia đình nộp khắc phục thêm 500 triệu đồng.
Đối với bà Hoàng Thị Thúy Nga, VKS đánh giá khi sơ thẩm, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, đã nhận tội và tự nguyện khắc phục 500 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Nga bị áp dụng 2 tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên và phạm tội có tổ chức. Tại phiên phúc thẩm, bà Nga thừa nhận hành vi song cho rằng bản thân không phải chủ mưu, không phạm tội có tổ chức.
"Đánh giá toàn bộ chứng cứ, lời khai có đủ căn cứ kết luận án sơ thẩm đã tuyên là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Bị cáo Nga không cung cấp thêm tình tiết mới, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo", VKS lập luận.
Tại phiên toà, nêu quan điểm luận tội, đại diện VKS đề nghị giảm từ 30 - 36 tháng tù cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ - cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại cấp sơ thẩm, ông Vũ đã được tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nhiều thành tích…
Tuy nhiên ông Vũ phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên. Đại diện viện kiểm sát đánh giá ông Vũ đã tích cực tác động gia đình khắc phục hậu quả 500 triệu đồng, được Sở Y tế Đồng Nai có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên có cơ sở giảm nhẹ tội tại phiên tòa phúc thẩm.
Tại bản án sơ thẩm, ông Vũ bị tuyên 19 năm tù về hai tội nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với các bị cáo còn lại, viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội, đề nghị giảm án cho nhiều người. Trong đó, bà Lê Thị Hương (phó ban kế toán AIC) và ông Huỳnh Tuấn Anh (giám đốc Công ty TNHH Tạ Thiên Ân) được đề nghị chuyển từ tù giam sang cho hưởng án treo. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hương bị tuyên 3 năm tù, Tuấn Anh bị tuyên 30 tháng tù.
Viện kiểm sát cũng đề nghị giảm án phạt tù cho ông Vũ Quang Ngọc (cựu phó giám đốc Công ty Mediconsult) và Lê Chí Tuân (trưởng nhóm hồ sơ Ban quản lý dự án 1 Công ty AIC). Tại phiên tòa sơ thẩm, Ngọc bị tuyên 3 năm 6 tháng tù, Tuân bị tuyên 3 năm tù.